Chi Lăng là vùng đất gắn liền với truyền thống Việt Nam, là nơi chứng kiến không biết bao nhiêu chiến công hiển hách của ông cha ta trong suốt thời kỳ dựng nước và giữ nước. Nhờ vào địa hình hiểm trở của núi non trùng điệp, nằm trên con đường huyết mạch nối liền tuyến liên vận Á – Âu, Chi Lăng trở thành vùng đất mang chiến lược quan trọng về kinh tế, chính trị, an ninh quốc phòng của nước ta.
Ải Chi Lăng Lạng Sơn có chiều dài khoảng 4km và nơi rộng nhất khoảng 1km, nơi này được xem là nơi hiểm trở nhất trên đường từ Quan Nam về Thăng Long. Ải hầu như khép kín hai đầu bắc nam, bên trong lòng là thung lũng có hình bầu dục có diện tích khá nhỏ.
2. Thuyết minh về Ải Chi Lăng
Trong nhiều năm trước đây, theo các tài liệu ghi chép lịch sử về Chi Lăng thì nơi này có 52 điểm di tích, bao gồm di tích, dấu tích, địa danh và những chứng cứ theo lời truyền miệng của người dân. Nhưng theo kết quả của cuộc kiểm kê di tích vào năm 2018 của Sở văn hóa thể thao và Du lịch tỉnh Lạng Sơn thì nơi đây chỉ còn 46 điểm, mất đi 6 điểm di tích so với thống kê trước đây.
Ải Chi Lăng là một thung lũng hẹp hình bầu dục, kẹp giữa hai dãy núi Bảo Đài và Cai Kinh, lợi dụng địa hình hiểm trở, cộng với tư duy quân sự tài tình của cha ông ta như kết hợp tiến công với nghi binh, tập kích, phục kích, truy kích,… và sự tiến bộ vượt bật của nghĩa quân Lam Sơn trong các trận đánh lịch sử, tất cả đã góp phần tạo nên chiến thắng vang dội trong cuộc kháng chiến chống Minh.
Thời tiền sử, Chi Lăng là nơi tồn tại và phát triển của các nền văn hóa khảo cổ khá nổi tiếng như: Mai Pha, Bắc Sơn,… cùng các di tích tiêu biểu như Hang Ngườm Sâu, Hang Lạng Nắc, Hang Nà Ngụm,… Nơi lưu giữ và phát hiện những di vật, mảnh gốm, rìu đá, mảnh tước,… những bằng chứng cho thấy một thời tiền sử huy hoàng đã diễn ra tại đây.
Không chỉ mang những giá trị về lịch sử, khoa học mảnh đất này còn có nhiều danh lam thắng cảnh nổi tiếng có thể kể đến như Hang Gió, núi Bàn Cờ, Núi Phượng Hoàng, Núi Mặt Quỷ, Núi Mã Yên… có giá trị cảnh quan và hệ sinh thái đa dạng.
Chi Lăng ghi dấu không biết bao nhiêu chiến công tự hào của cha ông ta trong quá trình dựng nước và giữ nước:
- Năm 981 và 1077: 2 lần chống Tống
- Năm 1285 và 1287: 2 lần kháng chiến chống quân Nguyên xâm lược
- Năm 1788 – 1789: Cuộc chống quân xâm lược Mãn Thanh
- Năm 1882 – 1888: Cuộc khởi nghĩa Hoàng Đình Kinh, nữ du kích Quang Lang bắn rơi máy bay Mỹ trong giai đoạn kháng chiến chống thực dân Pháp, đế quốc Mỹ.
- Năm 1427: Được xem là dấu mốc huy hoàng trong lịch sử, khi Chi Lăng là nơi cùng quân và dân ta đã lập nên một chiến công vang dội tiêu diệt đạo quân tiếp viện hơn 10 vạn quân Minh do Liễu Thăng chỉ huy, góp phần kết thúc trường kỳ cuộc kháng chiến, lật nhào ách đô hộ của Nhà Minh giành lại trọn vẹn non sông, đất nước.
3. Địa chỉ và hướng dẫn di chuyển tới Ải Chi Lăng
3.1. Ải Chi Lăng thuộc địa phương nào
Ải Chi Lăng ở đâu là câu hỏi rất nhiều du khách du lịch thắc mắc trước mỗi chuyến hành trình đến đây. Nằm cách thị xã Lạng Sơn khoảng 40 – 50km về phía Tây Nam, và cách Hà Nội khoảng 150km. Khu di tích Ải Chi Lăng thuộc huyện Chi Lăng, tỉnh Lạng Sơn. Khi xưa nơi đây là cửa ải thuộc trấn Khâu Ôn, Lạng Sơn và ghi dấu rất nhiều trận chiến lịch sử của dân tộc. Nay ải Chi Lăng chiều dài 20km, chiều rộng 3km và là điểm nối giữa hai huyện Chi Lăng và Hữu Lũng của Lạng Sơn.
3.2. Đường đến Ải Chi Lăng đi như thế nào?
Gợi ý lịch trình di chuyển từ Hà Nội – Lạng Sơn bằng các phương tiện xe máy, taxi theo các tuyến đường dưới đây:
- Di chuyển bằng xe máy: Bạn đi vào cầu Chương Dương – Sau đó rẽ vào đường Nguyễn Văn Linh (QL5) – đi hết cầu Thanh Trì bạn sẽ đến Lạng Sơn – sau đó tiếp tục chạy khoảng hơn 50km nữa bạn sẽ gặp Ải Chi Lăng.
- Di chuyển bằng ô tô: Bạn sẽ di chuyển theo hướng cầu cạn trên cao – đi qua cầu Thanh Trì – đi vào quốc lộ 1A – đến Cầu Vĩnh Tuy – tiếp tục rẽ vào đường Nguyễn Văn Linh (QL5) – vào QL1A – đến QL279n – tiếp tục di chuyển theo hướng QL1B – Lạng Sơn.
- Tàu hỏa: Nếu đi bằng tàu hỏa, bạn nên chọn tuyến ĐĐ3 hoặc HDR, tàu sẽ chạy theo hướng Hà Nội – Lạng Sơn – Đồng Đăng. Chuyến ĐĐ3 sẽ xuất phát lúc 6h sáng, đến Lạng Sơn lúc 11h07, chuyến HDR1 sẽ xuất phát lúc 9h45 và đến Lạng Sơn lúc 12h57.
- Di chuyển bằng xe khách: Xe khách từ Hà Nội đi Lạng Sơn có nhiều chuyến trong ngày, bạn có thể đến bến Gia Lâm, Mỹ Đình hoặc Lương Yên để đón xe. Giá vé khoảng 100.000 vnđ – 170.000 vnđ/người.
4. Vẻ đẹp hút hồn và các hoạt động thú vị tại Ải Chi Lăng
4.1. Vẻ đẹp tráng lệ của Ải Chi Lăng
Ngày nay, đến với Ải Chi Lăng Lạng Sơn du khách sẽ cảm nhận rõ rệt được giá trị của nền văn hóa khảo cổ, tìm về những tháng năm oanh liệt của dân tộc qua các di tích lịch sử nơi đây, tỏ lòng tấm lòng biết chân thành đối với ông cha, tự hào về sự quả cảm và trí tuệ quân sự vượt bậc.
Chi Lăng được tạo nên từ những quả núi nhỏ, nương tựa vào nhau, tạo thành những đường nét gồ ghề cho lớp áo màu xanh mướt của núi rừng hùng vĩ. Cũng là nơi chứa đựng một hệ sinh thái tuyệt vời. Ngọn nguồn của sông Thương cũng bắc qua vùng đất linh thiêng này, hay còn được biết đến với tên gọi khác là Suối Hoa Đào, tất cả tạo thành một bức tranh sơn thủy hữu tình, ngây ngất lòng người.
Nhận thấy được giá trị du lịch của Chi Lăng, tỉnh Lạng Sơn và đang đưa ra các đề án phát triển du lịch cho vùng đất này, một phần lưu giữ những giá trị lịch sử, phần khác giúp cải thiện kinh tế địa phương, kết nối du lịch Lạng Sơn đến với du lịch của các tỉnh thành trên cả nước. Vì vậy khu di tích này ngày càng được mở rộng, phát triển, nâng cao chất lượng để phục vụ một lượng lớn khách du lịch đến Lạng Sơn trong tương lai.
4.2. Có gì thú vị tại Ải Chi Lăng
4.2.1. Dãy Núi Cai Kinh
Dãy núi Cai Kinh hay còn có cái tên khác là Mỏ Nhai nằm ở phía Tây của Ải Chi Lăng. Nếu bạn di chuyển từ Hà Nội lên Lạng Sơn, sau khi qua khỏi thị trấn Mẹt của huyện Hữu Lũng, nhìn về phía bên trái bạn sẽ thấy một dãy núi cao 600m, sừng sững chạy dọc theo quốc lộ 1A, giáp với Bình Gia – Bắc Sơn.
Cái tên Cai Kinh gắn liền với người thủ lĩnh tên Hoàng Đình Kinh, người dân tộc Tày. Ông làm thủ lĩnh chỉ huy chống thực dân Pháp ngay những ngày đầu chúng bắt đầu xâm chiếm lên Lạng Sơn. Qua nhiều lần đánh trả quyết liệt của nghĩa quân của Hoàng Đình Kinh, thực dân Pháp gặp không ít khó khăn.
Không đánh lại bằng thực lực, bọn thực dân đã dùng mưu hèn kế bẩn sát hại ông Hoàng Đình Kinh. Người dân đã chọn ngọn núi ông làm căn cứ suốt cuộc kháng chiến, đặt lên là Cai Kinh, để tưởng nhớ công lao của ông.
4.2.2. Quỷ Môn Quan – Núi Mặt Quỷ
Theo sử sách ghi chép lại rằng: “Cửa quan Quỷ Môn – ở phía nam châu Ôn (Lạng Sơn), thuộc địa phận xã Chi Lăng. Đường ải nhỏ hẹp, đá núi hiểm cao, phía tây gần khe sâu, nước độc không thể uống, hình thế hiểm ác, có đá như đầu ma đầu quỷ, nên đặt tên như vậy.” Vì có địa hình hiểm trở nên nơi đây trong lịch sự được chọn là nơi làm căn cứ đóng quân chống quân Tống vào năm 1077 và quân Mông Cổ vào năm 1285.
Quỷ Môn Quan nằm trong vòng bán kính khoảng 100m từ Ải Chi Lăng, cái tên độc đáo này bắt nguồn từ hình dạng của các hõm đá trên sườn núi. Xung quanh tảng đá cây cối mọc lên um tùm, tươi tốt, duy chỉ có khu vực ở giữa vách núi có một tảng đá có hình thù rất lạ. Nếu đứng từ xa, bạn sẽ thấy trên tảng đá có đầy đủ các bộ phận của một khuôn mặt, mang hình hài to lớn và nét biểu cảm dữ tợn.
Sự xuất hiện của Quỷ Môn Quan khi thì người dân cũng không biết rõ, chỉ biết trong lịch sử có rất nhiều câu chuyện tâm linh li kỳ xoay quanh ngọn núi này. Có thể kể đến vào năm 981, trong cuộc kháng chiến Lê Hoàn đánh tan quân Tống. Năm 1427 nghĩa quân Lam Sơn đánh tan quân xâm lược nhà Minh.
Mọi người đến tận bây giờ vẫn còn truyền tai nhau về câu chuyện kỳ bí về việc Liễu Thăng bị Lê Sát – Vị tướng của quân Lam Sơn chém ở núi Mã Yên, nhưng chưa chết. Sau đó Liễu Thăng chạy về hướng Quỷ Môn Quan, khi đến đây bắt gặp tảng đá hình mặt quỷ, Liễu Thăng hoảng loạn, đầu lìa khỏi cổ và rơi xuống ngựa và chết ngay sau đó. Thân của Liễu Thăng hóa thành tượng đá không đầu, được người dân đặt tên là Liễu Thăng Thạch.
Vì là khu vực tâm linh, nên người dân rất cẩn trọng, không dám có hành động nào bất kính với “bề trên”, tuy có dáng vẻ đáng sợ nhưng người dân không xem đó là điều xấu, là cái ác mà rất kính trọng, xem Quỷ Môn Quan là biểu tượng phù hộ cho sự ấm no, yên bình cho dân làng nơi đây.
4.2.3. Thưởng thức đặc sản của Chi Lăng
bên cạnh việc phát triển du lịch để hội nhập kinh tế, song song với đó huyện Chi Lăng tỉnh Lạng Sơn cũng chú trọng phát triển nông nghiệp cho người dân. Đặc biệt hơn còn kết hợp nông nghiệp và dịch vụ, cụ thể là na – một loài cây ăn quả đặc trưng tại đây vào hoạt động du lịch bằng việc kết hợp trang trại vườn na với du lịch hệ sinh thái.
Na Lạng Sơn được trồng trên các vách núi cheo leo, người ta đã sáng tạo ra cách hái na bằng ròng rọc song song, cách làm này khá nhanh khi cứ mỗi 2 sọt na đưa xuống là sẽ có 2 sọt trống được đưa lên. Cách làm này đã trở thành thương hiệu của huyện Chi Lăng nói riêng và tỉnh Lạng Sơn nói chung.
Đến Lạng Sơn bạn có thể dễ dàng mua na tại khu chợ Na Chi Lăng ở Đồng Bành, đây được coi là chợ na lớn nhất khu vực miền Bắc. Những ngày đầu tháng tám, chợ na Chi Lăng sẽ tấp nập kẻ mua người bán, na lúc này cũng sẽ đạt chất lượng cao nhất và giá cả cũng khá mềm.
Khi mua na, bạn nên chọn những quả có mắt nở to, vỏ mỏng, phẳng, kẽ na có màu hồng, vỏ nhạt màu, nứt nhẹ nhưng vẫn còn cuống, những quả này sẽ có vị ngọt thanh và mùi thơm đặc trưng.
5. Thời điểm thích hợp để đi du lịch tại Ải Chi Lăng
Bạn có thể đến thăm Ải Chi Lăng vào bất cứ thời điểm nào trong năm, nhưng để thưởng thức được hết những nét đặc biệt của nơi đây bạn nên đi vào mùa na chín, thưởng thức những quả na có hương vị đặc trưng, chứa đầy dinh dưỡng để có một chuyến đi trọn vẹn.
Vào tháng 8, khi tiết trời có nắng dịu nhẹ và gió hiu hiu cũng là lúc người dân ở Chi Lăng thu hoạch na. Bạn có thể tham gia vào hoạt động hái na của người dân địa phương, tuy vất vả nhưng mang lại những trải nghiệm vô cùng thú vị.
6. Giá vé vào Ải Chi Lăng có đắt không?
Bạn có thể vào tham quan Ải Chi Lăng Lạng Sơn bất cứ thời gian nào và hoàn toàn miễn phí.
7. Một số món ăn phải thử khi bạn đi du lịch tại Ải Chi Lăng
7.1. Lợn quay – Vịt quay Lạng Sơn
Các món quay từ thịt vịt, thịt lợn Lạng Sơn được coi là các món ăn phải thử đầu tiên khi đến đây.
7.2. Bánh ngải trứ danh
Bánh ngải một loại bánh quen thuộc tại Lạng Sơn, danh tiếng loại bánh này còn được lan truyền đi xa nhờ vào vị thơm ngon, mềm dẻo, màu sắc đẹp mắt và một số lợi ích tuyệt vời cho sức khỏe đó là cầm máu, điều hòa khí huyết, lưu thông máu, an thai,… những chức năng từ cây ngải cứu – nguyên liệu chính của món bánh mang lại.
7.3. Phở chua
Phở chua Lạng Sơn sẽ có hai phần chính đó là phần phở khô và phần nước dùng. Phần khô gồm bánh phở dẻo và dai, thêm một ít xá xíu, kèm theo đó là khoai lang chiên, lạc rang, hành khô, dưa chuột, các loại rau thơm. Phần nước sẽ bao gồm nước báng tỏi, dấm, đường. Khi ăn bạn trộn đều hai phần này lại, món ăn sẽ có vị thanh, ngọt ngọt.
7.4. Nem nướng Hữu Lũng
Loại nem này được làm từ bì lợn và thịt lợn thái nhỏ, trộn cùng với thính sau đó gói lại bằng lá chuối tươi. Sau khi đã lên men, người ta tiến hành đem nem đi nướng trên lửa than hồng, cho dậy mùi của nem.
Theo Ticotravel.com.vn