Ninh Thuận cần xây dựng sản phẩm đặc trưng, thúc đẩy chuyển đổi số và xúc tiến quảng bá để tạo đà phát triển du lịch
admin | Đăng lúc 9:38 - 01/07/2022

Sáng ngày 30/6, tại Hà Nội, Thứ trưởng Bộ VHTTDL Đoàn Văn Việt đã chủ trì buổi làm việc với đoàn công tác tỉnh Ninh Thuận do Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Long Biên làm trưởng đoàn về một số đề xuất của tỉnh trong công tác phát triển du lịch, di sản văn hóa.

 

Thứ trưởng Đoàn Văn Việt phát biểu tại buổi làm việc (Ảnh: TITC)

Cùng dự có Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch Nguyễn Trùng Khánh, lãnh đạo một số Cục, Vụ, đơn vị thuộc Bộ VHTTDL và Tổng cục Du lịch.

Theo báo cáo của Sở VHTTDL, Ninh Thuận là tỉnh thuộc Duyên hải Nam Trung Bộ, có vị trí địa lý nằm trên giao điểm của các trục giao thông quốc gia, tạo điều kiện thuận lợi để giao lưu kinh tế, văn hóa với các tỉnh trong khu vực Duyên hải Nam Trung bộ, Đông Nam bộ và Tây Nguyên.

Tỉnh có nhiều lợi thế về tài nguyên tự nhiên và văn hóa với 105 km đường bờ biển đẹp, nắng, gió, ít chịu ảnh hưởng của bão, nhiều vịnh, vũng đẹp trong đó nổi bật là vịnh Vĩnh Hy - di tích danh lam thắng cảnh cấp Quốc gia, là một trong 8 vịnh đẹp nhất Việt Nam.

Nghệ thuật văn hóa Chăm với những làn điệu dân ca, múa Chăm, cùng với các nghề truyền thống và những phong tục tập quán, các nghi lễ tín ngưỡng của người Chăm, các tháp Chàm cổ kính… đã tạo nên những nét đẹp độc đáo riêng có cho Ninh Thuận.

Trên địa bàn tỉnh hiện có 239 di tích, di sản văn hóa phi vật thể, trong đó có 2 di tích quốc gia đặc biệt là Tháp Hòa Lai và tháp Po Klong Garai. Tháng 12/2013, Nghệ thuật Đờn ca tài tử Nam Bộ được UNESCO công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại.

Tổng cục trưởng Nguyễn Trùng Khánh phát biểu tại buổi làm việc (Ảnh: TITC)

Với lợi thế từ thiên nhiên và nhân văn đã mang lại điều kiện thuận lợi phát triển du lịch Ninh Thuận. Lượng du khách đến tỉnh trong 5 năm qua tăng bình quân 10,8%/năm, thu hút trên 9 triệu lượt khách, trong đó khách quốc tế đạt trên 400 ngàn lượt. Sáu tháng đầu năm 2022, tổng lượt khách du lịch ước đạt 1,4 triệu lượt, tăng 27,9% so cùng kỳ, đạt 75,6% so với kế hoạch; Tổng thu từ khách du lịch ước đạt 1.051 tỷ đồng, tăng 48% so cùng kỳ, đạt 75,1% so với kế hoạch.

Hệ thống cơ sở lưu trú du lịch tiếp tục được phát triển; toàn tỉnh hiện có 203 cơ sở lưu trú du lịch, với 4.443 phòng, trong đó số phòng có chất lượng đạt tiêu chuẩn tương đương 3 sao trở lên chiếm khoảng 50%. Đến nay, trên địa bàn tỉnh có 57 dự án dịch vụ du lịch được cấp Quyết định chủ trương đầu tư/Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư, với tổng vốn đăng ký trên 29 nghìn tỷ đồng.

Hình ảnh du lịch Ninh Thuận cùng các điểm du lịch đã lần lượt được du khách biết đến, bình chọn và lọt vào top “Bản đồ du lịch thế giới”. Khu nghỉ dưỡng Amanoi được Tạp chí Forbes Life (Mỹ) bình chọn nằm trong “Top 10 điểm đến” hấp dẫn nhất thế giới.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Ninh Thuận Nguyễn Long Biên phát biểu tại buổi làm việc (Ảnh: TITC)

Để phục hồi và phát triển du lịch tỉnh nhà tương xứng với tiềm năng, lợi thế; xây dựng Ninh Thuận trở thành điểm đến mới với nhiều trải nghiệm thú vị, phấn đấu trở thành một điểm đến du lịch đẳng cấp cao, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Ninh Thuận Nguyễn Long Biên đề xuất Bộ VHTTDL hỗ trợ tỉnh thúc đẩy chuyển đổi số trong lĩnh vực du lịch; Hỗ trợ phát triển làng nghề du lịch sinh thái tại “Làng nho Thái An” huyện Ninh Hải, làng nghề dệt thổ cẩm Chăm Mỹ nghiệp và làng nghề Gốm Chăm Bàu Trúc thuộc huyện Ninh Phước; Bảo trợ thông tin tuyên truyền về Lễ hội Nho và Vang Ninh Thuận năm 2023; Hỗ trợ nguồn kinh phí để bảo tồn, tôn tạo, chống xuống cấp của các di tích Quốc gia đặc biệt gắn với phát triển du lịch; Quan tâm, phối hợp với Bộ Xây dựng trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án quy hoạch chung xây dựng Khu du lịch Quốc gia Ninh Chữ; đồng thời hỗ trợ tỉnh trong triển khai thực hiện quy hoạch xây dựng Khu du lịch Quốc gia Ninh Chữ sau khi được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt…  

Phát biểu tại buổi làm việc, Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch Nguyễn Trùng Khánh đánh giá Ninh Thuận có nhiều tiềm năng để phát triển du lịch sinh thái, văn hóa, nghỉ dưỡng biển… Khách du lịch rất ưa thích điểm đến Ninh Thuận bởi vẻ đẹp nguyên sơ, hấp dẫn. Từ khi Việt Nam chính thức mở cửa du lịch, tỉnh đã có sự tăng trưởng mạnh về du lịch, lãnh đạo tỉnh cũng rất quan tâm đến sự phát triển du lịch, ban hành nhiều cơ chế chính sách thu hút đầu tư.

Tuy nhiên, bên cạnh những lợi thế, Ninh Thuận vẫn phải đối mặt với những khó khăn thách thức về xây dựng sản phẩm riêng biệt, đầu tư, nguồn nhân lực, cơ sở lưu trú, doanh nghiệp lữ hành… “Ninh Thuận cần nghiên cứu khai thác đi đôi với bảo tồn tài nguyên thiên nhiên, huy động nguồn lực xã hội hóa để triển khai xây dựng các sản phẩm du lịch đặc trưng, tour tuyến mới, đào tạo nhân lực du lịch chất lượng cao. Đặc biệt, tỉnh cần chú trọng đến công tác liên kết với các địa phương lân cận, các trung tâm du lịch lớn, thị trường nguồn”, Tổng cục trưởng đề nghị.

Tán thành với những đề xuất, kiến nghị của UBND tỉnh Ninh Thuận, Tổng cục trưởng đề nghị ngành du lịch Ninh Thuận cử các đầu mối để kết nối với các Vụ, đơn vị chức năng thuộc Tổng cục Du lịch để triển khai các hoạt động liên quan.

Phó Giám đốc điều hành Trung tâm Thông tin du lịch Hoàng Quốc Hòa phát biểu về nội dung hỗ trợ chuyển đổi số trong du lịch (Ảnh: TITC)

Về nội dung hỗ trợ phát triển làng nghề du lịch sinh thái tại “Làng nho Thái An” huyện Ninh Hải, làng nghề dệt thổ cẩm Chăm Mỹ nghiệp và làng nghề Gốm Chăm Bàu Trúc thuộc huyện Ninh Phước, Vụ trưởng Vụ Lữ hành Nguyễn Quý Phương cho rằng, làng nghề với những giá trị văn hóa đặc trưng là những nét tiêu biểu để du lịch Ninh Thuận đẩy mạnh xây dựng sản phẩm du lịch sinh thái, du lịch văn hóa, du lịch nghề truyền thống. Ninh Thuận cần tiếp tục đầu tư phát triển các sản phẩm du lịch độc đáo để tạo nên sự khác biệt với những địa phương lân cận.

Vụ trưởng Vụ Thị trường du lịch Đinh Ngọc Đức cho biết với những lợi thế về đường bờ biển dài và đẹp, du lịch Ninh Thuận cần thu hút các nhà đầu tư chiến lược xây dựng thương hiệu du lịch nghỉ dưỡng biển sang trọng, đồng thời phát huy giá trị đặc trưng của lễ hội độc đáo Nho và Vang Ninh Thuận và đẩy mạnh công tác truyền thông quảng bá cho lễ hội này.

Về lĩnh vực chuyển đổi số trong du lịch, theo ông Hoàng Quốc Hòa, Phó Giám đốc điều hành Trung tâm Thông tin du lịch (Tổng cục Du lịch) cho biết, hiện nay, Tổng cục Du lịch đang đẩy mạnh triển khai công tác chuyển đổi số với việc số hóa điểm đến, kết nối liên thông dữ liệu. Tổng cục Du lịch, Bộ VHTTDL cũng đang phối hợp với Bộ Thông tin và Truyền thông triển khai xây dựng nền tảng quản trị và kinh doanh du lịch. Ông Hoàng Quốc Hòa đề nghị Ninh Thuận cử đầu mối để phối hợp với Tổng cục Du lịch triển khai các hoạt động này.

Toàn cảnh buổi làm việc (Ảnh: TITC)

Đánh giá cao sự chủ động của tỉnh Ninh Thuận trong hoạt động du lịch và di sản văn hóa, Thứ trưởng Đoàn Văn Việt cho biết, Ninh Thuận có nhiều tiềm năng phát triển du lịch, tạo nên những nét đẹp đặc trưng như biển, văn hóa phi vật thể (dệt thổ cẩm, văn hóa Chăm, gốm Bầu Trúc), khí hậu nhiều nắng cũng tạo nên những sản vật nổi tiếng như muối, nho, rượu vang. Tỉnh Ninh Thuận cần nghiên cứu đầu tư thêm hạ tầng giao thông tạo thuận lợi đi lại hơn nữa cho du khách.

Thứ trưởng nhất trí với những đề xuất của tỉnh Ninh Thuận và giao các đơn vị của Bộ VHTTDL kết nối với Ninh Thuận để triển khai. Thứ trưởng cũng nhấn mạnh, so với những tỉnh lân cận Ninh Thuận còn gặp những khó khăn nhất định, vì vậy muốn du lịch phát triển mạnh trong thời gian tới cần tăng cường công tác xúc tiến quảng bá, xây dựng sản phẩm du lịch đặc trưng và chuyển đổi số, qua đó thu hút thêm nhiều du khách đến với miền đất đầy nắng và gió.

Theo dulichvietnam.org.vn

LIKE PAGE XEM TIN MỚI MỖI NGÀY
Scroll