7 NGUYÊN TẮC KẾ TOÁN CƠ BẢN (CÓ VÍ DỤ) BẠN CẦN BIẾT
admin | Đăng lúc 9:47 - 23/05/2022

Nguyên tắc cơ sở dồn tích, nguyên tắc nhất quán, nguyên tắc hoạt động liên tục,… là những nguyên tắc Kế toán cơ bản mà bất kỳ nhân viên theo nghề nào cũng cần phải nắm rõ và phân biệt. Nếu vẫn chưa hiểu hết những nguyên tắc này, hãy tham khảo bài viết dưới đây nhé!

 

7 nguyên tắc kế toán cơ bản
Bạn có biết các nguyên tắc kế toán cơ bản?

Nguyên tắc Kế toán là gì?

Nguyên tắc Kế toán được hiểu là những tuyên bố chung, có vai trò như những chuẩn mực, mực thước, chỉ dẫn hay hướng dẫn mà các nhân viên Kế toán từng phần hành phải áp dụng để phục vụ cho việc lập các báo cáo tài chính có liên quan đến công việc nhằm tạo ra tính thống nhất cao trong hệ thống.

Các nguyên tắc Kế toán cơ bản

Trong Kế toán hiện có 7 nguyên tắc cơ bản được thừa nhận như sau:

+ Nguyên tắc cơ sở dồn tích - Accruals

- Mọi nghiệp vụ kinh tế tài chính liên quan đến tài sản, nợ phải trả, nguồn vốn chủ sở hữu, doanh thu, chi phí phải được Kế toán ghi Sổ Kế toán vào thời điểm phát sinh, không căn cứ vào thời điểm thực tế thu hay chi tiền. Các báo cáo tài chính được lập trên cơ sở dồn tích giúp phản ánh tình hình tài chính của doanh nghiệp trong cả quá khứ, hiện tại và tương lai.

- Ví dụ: Doanh nghiệp A ghi nhận một khoản thu 30 triệu đồng vào tháng 6 nhưng đến tháng 7 mới nhận được tiền; tuy nhiên, Kế toán vẫn phải ghi Sổ Kế toán ở thời điểm tháng 6.

7 nguyên tắc kế toán cơ bản
Nguyên tắc cơ sở dồn tích yêu cầu Kế toán ghi nhận các nghiệp vụ kinh tế tài chính vào Sổ Kế toán ngay tại thời điểm phát sinh

+ Nguyên tắc nhất quán - Consistency

- Các chính sách và phương pháp Kế toán mà doanh nghiệp đã chọn phải được áp dụng thống nhất trong ít nhất 1 kỳ kế toán năm. Trường hợp xảy ra sự thay đổi phải tiến hành giải trình lý do (thông báo với cơ quan thuế) và nêu đầy đủ những ảnh hưởng của sự thay đổi đó đến kết quả kế toán trong phần thuyết minh báo cáo tài chính.

- Ví dụ: Doanh nghiệp A lựa chọn phương pháp khấu hao TSCĐ theo số lượng, khối lượng sản phẩm thì trong suốt quá trình hạch toán Kế toán năm, nhân viên Kế toán chỉ được áp dụng theo đúng phương pháp này.

+ Nguyên tắc hoạt động liên tục - Going concern

Báo cáo tài chính phải được lập trên cơ sở giả định doanh nghiệp vẫn đang hoạt động liên tục và sẽ tiếp tục hoạt động bình thường trong thời gian vài năm tới. Trường hợp thực tế khác với giả định, tức doanh nghiệp có ý định hoặc bị buộc ngừng hoạt động có xác định thời gian cụ thể thì báo cáo tài chính phải được lập trên một cơ sở khác và phải giải thích chi tiết cơ sở đã sử dụng để lập báo cáo tài chính đó. Thực hiện theo nguyên tắc này, nhân viên Kế toán phải phản ánh toàn bộ tài sản của doanh nghiệp theo giá phí (giá gốc) chứ không phải theo giá thị trường.

+ Nguyên tắc thận trọng - Prudence

- Là việc xem xét, cân nhắc, phán đoán các yếu tố cần thiết để lập các ước tính kế toán trong các điều kiện không chắc chắn. Nguyên tắc này yêu cầu Kế toán phải: lập các khoản dự phòng đúng nguyên tắc và không được lập quá lớn; các khoản dự phòng không đánh giá cao hơn giá trị của tài sản và các khoản thu nhập; không đánh giá thấp hơn giá trị của các khoản nợ phải trả và chi phí; doanh thu và thu nhập chỉ được ghi nhận khi có bằng chứng chắc chắn về khả năng thu được lợi ích kinh tế; chi phí chỉ được ghi nhận khi có bằng chứng chắc chắn về khả năng phát sinh chi phí. Việc tuân thủ nguyên tắc thận trọng giúp doanh nghiệp bảo tồn nguồn vốn, hạn chế rủi ro và tăng khả năng hoạt động liên tục.

Ví dụ: Khách sạn A vừa bán 20 món hàng lưu niệm cho khách, tổng giá bán là 15 triệu đồng. Ngay sau đó, kế toán của khách sạn A phải lập một khoản dự phòng đúng bằng trị giá của 20 món hàng vừa bán (tương đương 15 triệu) phòng trường hợp khách trả lại vì hàng lỗi.

7 nguyên tắc kế toán cơ bản
Việc áp dụng nguyên tắc thận trọng giúp doanh nghiệp bảo tồn nguồn vốn, hạn chế rủi ro,...

+ Nguyên tắc giá gốc - History cost

- Mọi tài sản phải được ghi nhận theo giá gốc (giá mà doanh nghiệp bỏ ra để có/ mua được tài sản đó). Giá này được tính theo số tiền hoặc khoản tương đương tiền đã trả, phải trả hoặc tính theo giá trị hợp lý của tài sản đó vào thời điểm tài sản được ghi nhận. Nguyên tắc này đòi hỏi Kế toán không được tự ý điều chỉnh giá gốc, trừ trường hợp có quy định khác trong Pháp luật hoặc Chuẩn mực Kế toán cụ thể.

Ví dụ: Khách sạn A mua một máy giặt công nghiệp hồi tháng 2/2020, giá 200 triệu đồng (chưa bao gồm thuế GTGT) - thuế GTGT 10% nên giá gốc của máy giặt sẽ là: 200 triệu + 20 triệu (thuế) = 220 triệu. Đến tháng 11/2020, giá bán ra của loại máy giặt này trên thị trường tăng lên 250 triệu (chưa bao gồm thuế GTGT); tuy nhiên, giá của chiếc máy giặt đó vẫn phải được ghi nhận là giá tại thời điểm mua, là 220 triệu đồng.

+ Nguyên tắc trọng yếu - Materility

- Kế toán có nhiệm vụ thu thập, xử lý và cung cấp đầy đủ những thông tin có tính chất trọng yếu; đó là những thông tin mà nếu thiếu hoặc sai sẽ có thể làm sai lệch đáng kể báo cáo tài chính, làm ảnh hưởng đến quyết định kinh tế của người sử dụng thông tin. Những thông tin còn lại không mang tính trọng yếu, ít tác dụng hoặc có ảnh hưởng không đáng kể đến người sử dụng thì có thể bỏ qua hoặc được tập hợp vào những khoản mục có cùng tính chất, chức năng.

Ví dụ: Trong Báo cáo tài chính của khách sạn A, một số khoản mục có cùng nội dung, bản chất được gộp chung vào một khoản mục lớn. Như: Tiền mặt, Tiền gửi ngân hàng, Tiền đang chuyển... được gộp chung vào khoản mục Tiền và các khoản tương đương tiền - Hay: Nguyên vật liệu, Công cụ dụng cụ, Hàng hóa, Hàng gửi bán... được gộp chung vào khoản mục Hàng tồn kho.

7 nguyên tắc kế toán cơ bản
Nguyên tắc này yêu cầu Kế toán phải thu thập, xử lý và cung cấp những thông tin có tính chất trọng yếu

+ Nguyên tắc phù hợp - Matching

Yêu cầu việc ghi nhận doanh thu và chi phí phải phù hợp với nhau, tức là Kế toán khi thực hiện ghi nhận một khoản doanh thu thì phải đồng thời ghi nhận một khoản chi phí tương ứng có liên quan đến việc tạo ra khoản doanh thu đó, thường bao gồm: chi phí của kỳ tạo ra doanh thu; chi phí của các kỳ trước hoặc chi phí phải trả nhưng liên quan đến chi phí của kỳ đó.

Những nguyên tắc kế toán cơ bản được áp dụng chính xác giúp doanh nghiệp thuận tiện trong việc ghi chép kế toán và lập báo cáo tài chính theo quy định. Điều này cũng giúp kiểm toán viên và nhà quản trị dễ dàng đánh giá tình hình và đưa ra lời khuyên đúng đắn, kịp thời cho kế hoạch kinh doanh và sử dụng nguồn vốn.

 

LIKE PAGE XEM TIN MỚI MỖI NGÀY
Scroll