Bánh chưng Bờ Đậu: Đặc sản mang đậm nét Tết người Việt
admin | Đăng lúc 7:41 - 06/12/2022

Vùng đất Thái Nguyên được biết đến như là quê hương của những nương chè xanh rộng lớn ngút ngàn và hương chè xanh thơm ngon, đậm đà. Khi nhắc đến Thái Nguyên, người ta còn nghĩ đến nền văn hóa ẩm thực truyền thống với món Bánh Chưng Bờ Đậu thơm ngon nức tiếng.

Bánh chưng Bờ Đậu: Đặc sản mang đậm nét tinh hoa dân tộc

Bánh chưng Bờ Đậu: Đặc sản mang đậm nét tinh hoa dân tộc

Nguồn gốc của Bánh chưng Bờ Đậu

Sản phẩm Bánh chưng Bờ Đậu đã có từ giữa những năm 1960. Tổ nghề làm bánh ở nơi đây được người dân kể lại là cụ Nguyễn Thị Xuân, thường được gọi là cụ Đấng. Cụ Đấng này là người thuộc xã Cổ Lũng.

Dân làng nơi đây kể lại, trước đây, quán bánh của cụ Đấng nằm gọn ngay dưới một gốc cây phượng ở ven đường. Quán của cụ tuy khá nhỏ nhưng lúc nào cũng đông khách ghé qua vì hương vị thơm ngon của bánh chưng do cụ làm. Và cũng chính nhờ nghề bán bánh này, cụ nuôi sống được cả gia đình và lo cho 6 người con ăn học trưởng thành. Khi về già, cụ Đấng truyền lại nghề của mình cho con cháu. Từ đó, bánh chưng Bờ Đậu được lưu truyền cho đến tận bây giờ.

Làng bánh chưng Bờ Đậu đã có tuổi đời hơn 50 năm
Làng bánh chưng Bờ Đậu đã có tuổi đời hơn 50 năm

Trước đây, khi cuộc sống của mọi người còn khó khăn, hoang vu và đói nghèo, người dân thường chỉ gói bánh chưng vào dịp Tết mà thôi. Sau này, khi nhận thấy nghề làm bánh đem lại một cuộc sống no đủ, sung túc hơn thì người nọ lại bắt chước người kia làm bánh rồi đem bán. Cũng chính từ đấy mà nghề làm bánh chưng được nhân rộng ra cả làng. Với lịch sử hơn 50 năm phát triển, Bánh chưng Bờ Đậu đã khẳng định được thương hiệu của mình và trở thành một đặc sản nổi tiếng của nơi đây.

Làng bánh chưng này hiện nay thuộc xã Cổ Lũng, huyện Phú Lương, chỉ cách trung tâm thành phố Thái Nguyên khoảng 8km.

Kỹ nghệ gói bánh chưng làng nghề Bờ Đậu Thái Nguyên

Khi đặt chân tới làng nghề bánh chưng Bờ Đậu, ai ai cũng có thể cảm nhận được không khí Tết đang đến gần. Trong từng hộ gia đình nơi đây, già trẻ gái trai lớn bé đều được phân công làm bánh để đáp ứng nhu cầu của khách hàng. Em bé thì tỉa lá, người lớn thì lấy nước, luộc bánh, phụ nữ thì thái thịt, các cụ già gói bánh, luộc bánh. Nhà nào cũng tất bật gói bánh. Từng nồi bánh chưng đều bốc khói nghi ngút, tỏa ra mùi thơm đậm đà.

Bánh nơi đây được gói thủ công 100% mà không dùng khuôn
Bánh nơi đây được gói thủ công 100% mà không dùng khuôn

Khi tìm hiểu rõ hơn về làng bánh chưng Bờ Đậu nơi đây, mới có thể tận mắt chứng kiến hết những nét độc đáo và tinh hoa trong từng công đoạn để tạo nên những chiếc bánh vuông thành sắc cạnh. Khác hẳn với những làng bánh chưng khác, tại làng nghề Bờ Đậu, 100% người dân đều gói bánh thủ công bằng tay mà không hề dùng khuôn. Mặc dù gói bằng tay, nhưng dưới những đôi bàn tay khéo léo và điêu luyện, những chiếc bánh chưng vẫn trông thật vuông vắn và sắc cạnh. Đó là một trong những kỹ nghệ riêng biệt chỉ làng nghề Bờ Đậu có, không nơi nào có thể học hỏi được.

Khắt khe trong từng công đoạn để tạo ra những chiếc bánh chưng tuyệt hảo

Khắt khe khi chọn nguyên liệu làm bánh

Bánh chưng Bờ Đậu thơm ngon và có hương vị đặc trưng riêng biệt chính là do sự khắt khe và tỉ mỉ trong khâu lựa chọn nguyên liệu để làm bánh. Những chiếc bánh chưng đều được làm từ gạo nếp cái hoa vàng, đặc sản của núi rừng và là thứ gạo dẻo, rất thơm ngon được chọn riêng từ loại gạo nếp ngon của vùng Định Hóa.

Việc lựa chọn nguyên liệu để làm bánh rất khắt khe và tỉ mỉ
Việc lựa chọn nguyên liệu để làm bánh rất khắt khe và tỉ mỉ

Nhân bánh được làm từ loại đỗ xanh – thứ đỗ quê đều hạt, nguyên lõi, vỏ mỏng và lòng vàng. Thịt chọn để gói bánh phải là loại thịt ba chỉ ngon, chắc nịch, được thái miếng to, ướp với muối và hạt tiêu Bắc sao cho ngấm đều. Lá dong được dùng để gói bánh phải là thứ lá nếp, dày, xanh mướt và có bản rộng. Đặc biệt là loại lá dong này phải được lấy từ rừng Na Rì, chợ Đồn, Bắc Kạn. Lạt dùng để buộc bánh là thứ lạt được chẻ bằng giang bánh tẻ.

Cách thức luộc bánh đặc biệt

Sau khi hoàn thành khâu gói bánh, bánh phải được ngâm trước với nước trong khoảng thời gian là 30 phút. Sau đó đặt bánh chưng vào những nồi cỡ lớn để bắt đầu luộc. Bánh được đun trong khoảng thời gian là 8 – 10 tiếng. Khi nước cạn thì phải chan thêm để cho bánh chín đều cả trong lẫn ngoài.

Đặc biệt nhất chính là nước luộc bánh chưng phải được lấy từ suối nguồn trên núi đá phía sau làng Bờ Đậu. Người dân nơi đây gọi đó là nước từ “Giếng thần”. Đây có lẽ là thứ nước trời cho, đặc biệt trong vắt để tạo nên một vị riêng biệt, độc đáo của bánh chưng nơi đây.

Nước luộc bánh phải là thứ nước được lấy từ "Giếng thần"
Nước luộc bánh phải là thứ nước được lấy từ “Giếng thần”

Người dân nơi đây cho biết, rất nhiều người thường đến đây đặt bánh, mang đi biếu, tặng như là một sản vật nức tiếng của quê hương và không thể thiếu trong mâm cỗ ngày Tết cổ truyền của dân tộc.

Địa chỉ mua bánh chưng Bờ Đậu

Để có thể có được những chiếc bánh chưng chuẩn vị nhất, các bạn có thể ghé làng bánh chưng Bờ Đậu thuộc xã Cổ Lũng, huyện Phú Lương, tỉnh Thái Nguyên hoặc các khu chợ trong huyện Phú Lương.

Gợi ý một số địa chỉ cụ thể:

  • Cửa hàng bánh chưng số 3, Cổ Lũng, Phú Lương, Thái Nguyên. Điện thoại: 098 211 8606
  • Bánh chưng Thanh Vân: Địa chỉ Km9 Cổ Lũng, Phú Lương, Thái Nguyên
  • Cửa hàng Bánh Chưng Ngon tại số 48B, Ngõ 554, Trường Chinh, Hà Nội. (Hotline: 096.831.8765).

Hy vọng các thông tin trên đây sẽ có ích với bạn!

Theo Poliva.vn

LIKE PAGE XEM TIN MỚI MỖI NGÀY
Scroll