Vãn cảnh chùa Tây Phương Thạch Thất tìm về miền an yên quên hết muộn phiền
admin | Đăng lúc 9:29 - 20/03/2023

Chùa Tây Phương Thạch Thất sở hữu lối kiến trúc đậm chất nghệ thuật, vẻ đẹp cổ kính và độc đáo đến độ không giấy mực nào có thể tả hết. Nằm cách trung tâm Thủ đô chỉ vài chục km, đây hứa hẹn sẽ là địa điểm du lịch tâm linh, vãn cảnh và chiêm bái mang đến nhiều ấn tượng khó quên.

 

Chùa Tây Phương ở đâu?

Chùa Tây Phương hay còn được gọi là Tây Phương Cổ Tự toạ lạc trên ngọn đồi Câu Lâu thuộc thôn Yên, xã Thạch Xá, huyện Thạch Thất. Nơi đây chỉ cách trung tâm thành phố Hà Nội khoảng 40km về phía Tây, đường đi thuận tiện dễ tìm. Một di tích Quốc gia đặc biệt, ngôi chùa cổ kính bao nhiêu năm vẫn còn giữ được vẹn nguyên những nét đẹp hiếm có, những tác phẩm điêu khắc tinh xảo. Điểm đến ở ngoại thành lý thú, thu hút đông đảo khách thập phương đến hành hương và khám phá.

Chùa Tây Phương Thạch Thất - cổ tự

Ảnh: @phamthanhtungkinhdoanh

Di chuyển tới chùa Tây Phương như thế nào?

Có rất nhiều cách để đi đến chùa Tây Phương ở Thạch Thất, nhưng thuận tiện nhất vẫn là di chuyển bằng phương tiện cá nhân hoặc xe buýt công cộng.

Di chuyển bằng xe buýt: Tuyến xe 89 (Yên Nghĩa – Thạch Thất – Bến xe Sơn Tây) là tuyến xe có điểm dừng đỗ cách chùa gần nhất, chỉ khoảng 2km. Giá vé: 9,000 đồng/lượt. Xuống đến nơi bạn có thể đi bộ hoặc thuê xe ôm, taxi để đi vào trong chùa. 

Di chuyển bằng phương tiện cá nhân: từ trung tâm thành phố bạn đi theo hướng đường Trần Duy Hưng đến Đại lộ Thăng Long. Tiếp tục đi thẳng khi nào đến đoạn cầu vượt ở ngã tư giao giữa Đại lộ Thăng Long với Thạch Thất, Quốc Oai thì rẽ trái theo hướng đi vào Quốc Oai. Di chuyển thêm khoảng 5km đến ngã tư Thạch Xá bạn sẽ thấy xuất hiện biển chỉ dẫn vào chùa Tây Phương.  Rẽ trái đi thêm 1km nữa là đến nơi.

Chùa Tây Phương Thạch Thất - di chuyển

Ảnh: @snown.2902

Giờ mở cửa và giá vé tham quan chùa Tây Phương Thạch Thất

Giá vé tham quan: 10.000 VNĐ/Người (đối với cả du khách trong và ngoài nước).

- Giờ mở cửa từ: 6h00 – 17h30 hàng ngày.

Chùa Tây Phương Thạch Thất - giá vé

Ảnh: @haint2401

Lịch sử của Tây Phương Cổ Tự

Theo như lời cha ông truyền lại thì chùa được xây dựng từ thời Mạc vào khoảng thế kỷ thứ 8 và gắn với quá trình truyền bá Phật giáo vào nước ta, tuy nhiên thời đấy vẫn còn khá đơn sơ. Từ thế kỷ 16 đến thể kỷ 18 chùa trải qua nhiều lần trùng tu, cụ thể là các năm:

- Năm 1632 chùa được cho dựng thêm khu vực Thượng điện 3 gian và khu vực hậu cung dài đến 20 gian. 

- Giữa những năm 1657 - 1682: chùa Tây Phương Cũ được phá dỡ và xây chùa cũng như cổng Tam Quan Mới, người ra lệnh là Tây Đô Vương Trịnh Tạc. 

- Năm 1794: dưới thời Tây Sơn đã có một cuộc đại tu toàn bộ ngôi chùa từ không gian cảnh quan đến kiến trúc. Lấy tên là Tây Phương Cổ Tự và cho đến ngày hôm nay diện mạo đó vẫn còn tồn tại. 

Năm 2014, nhận thấy những giá trị trong kiến trúc, điêu khắc ấn tượng của ngôi chùa được đánh giá là cổ thứ 2 ở Việt Nam (chỉ sau chùa Dâu Bắc Ninh). Chính phủ đã công nhận đây là Di tích Quốc gia đặc biệt về giá trị kiến trúc nghệ thuật.

Chùa Tây Phương Thạch Thất - lịch sử
Ảnh: @chanhhh_271298

Kiến trúc chùa Tây Phương có gì nổi bật?

Chùa Tây Phương toạ lạc trên đỉnh ngọn đồi nên nếu muốn đến cổng Tam quan bạn phải leo bộ qua 239 bậc thang làm từ đá ong bám đầy rêu phong. Khu vực chùa Chính có kết cấu hình chữ “Công” với 3 toà chính là: Thượng điện, Tiền đường và Trung đường, kiến trúc khung gỗ với 2 tầng 8 mái. Các chùa phân tách nhau bởi khoảng sân rộng và thoáng đãng. Phần mái các chùa đều có 2 lớp ngói, xung quanh diềm mái được trạm trổ hình lá triện cuốn đầy tinh tế.

Chùa Tây Phương Thạch Thất - kiến trúc
Ảnh: @kisoha1020

Phần mái bạn sẽ thấy có rất nhiều linh vật bằng đất nung, đầu đao hoa văn nổi hình rồng hay hoa lá được chạm khắc tinh xảo. Ngoài ra, chùa Tây Phương Thạch Thất Hà Nội còn có các khu vực như: Nhà Tổ, Nhà Mẫu, Miếu Sơn Thần,... tạo nên một quần thể rộng lớn và uy nghi.

- Cổng Tam quan Hạ: nằm ở dưới chân núi, kết cấu có 4 trụ biểu xây bằng gạch đá ong.

- Cổng Tam quan Thượng chùa Tây Phương Thạch Thất: cách cổng đầu tiên 237 bậc. Kiến trúc cũng khá tương đồng với cổng Hạ.

- Miếu Sơn thần hay còn gọi là đền Đức Ông: có 4 gian nhỏ nằm ngay bên trái của chùa. Phong cách kiến trúc tiền đao hậu đốc, nổi bật là phần ngói lợp rì. 

- Khu vực nhà Tổ – nhà Mẫu: có thiết kế 3 gian 2 dĩ, kiến trúc chữ “Nhị”, bên ngoài thờ Tổ còn bên trong thờ Mẫu. 

- Nhà khách: tổng cộng có 7 gian, nằm bên phải chùa Chính. Dù mới được phục dựng sau này tuy nhiên kiến trúc của nó vẫn đảm bảo giữ trọn kiến trúc truyền thống đồng thời không làm mất đi sự hài hoà của toàn bộ thiết kế trong chùa. 

Chùa Tây Phương Thạch Thất - kiến trúc cổ
Ảnh: @kts.hai

Chùa Tây Phương và ‘Bảo tàng tượng Phật’ 

Bên cạnh lối kiến trúc độc đáo, chùa Tây Phương còn được ví như là “Bảo tàng tượng Phật” của nước ta. Kinh nghiệm du lịch Hà Nội đến chùa Tây Phương bạn sẽ được chiêm ngưỡng 64 pho tượng, có cả những pho tượng sơn son thếp vàng nhìn vô cùng bắt mắt được xếp vào dòng giá trị nghệ thuật trong điêu khắc bậc nhất ở nước ta. Cụ thể như:

- Tượng Bát Bộ Kim Cương: cao khoảng 3m, dáng vẻ trang nghiêm nhưng mặt đầy phúc hậu. Tượng lắp ghép bằng gỗ bởi những nghệ nhân vô cùng điêu luyện.

- Tượng Tam Thế Phật có từ thế kỷ 17, với 3 pho tượng tư thế toạ thiền thể hiện cho: Quá khứ, Hiện tại và Vị lai. 

- Tượng Tuyết Sơn: mô phỏng lại dáng vẻ của Phật Thích Ca trong thời kỳ tu khổ hạnh. 

- Tượng Phật Di Lặc: dáng vẻ mập mạp, nét mặt vui tươi.

- Bộ tượng 18 vị La Hán có từ thế kỷ 18, là tác phẩm để đời hiếm có của nền nghệ thuật cổ Việt Nam. Mỗi tượng là một tư thế, dáng vẻ khác nhau tượng trưng cho những nỗi khổ riêng.

Chùa Tây Phương Thạch Thất - tượng Phật
Ảnh: @lumos_fashion
 
Chùa Tây Phương Thạch Thất - bộ tượng
Ảnh: @cungphuot

Tham dự lễ hội chùa Tây Phương

Lễ hội chùa Tây Phương Thạch Thất diễn ra vào các tháng âm lịch đầu năm. Người dân cũng như du khách thập phương đổ về đây hành hương, dâng lễ Phật rất đông. Có 2 lễ hội chính gồm: 

Lễ sám hối (6/2 âm lịch): đây là dịp mọi người tự nhìn nhận lại những sai lầm của bản thân và tha thứ cho mình. Trong thời gian diễn ra lễ sám hối mọi người sẽ không sát sinh và chuẩn bị các món chay thịnh soạn để dâng lên Phật.

Lễ hội chính: diễn ra vào ngày mùng 6 tháng 3 âm lịch hàng năm nhưng từ nhiều ngày trước đó mọi người đã chuẩn bị với không khí vô cùng náo nhiệt. Trong phần lễ sẽ có các nghi thức như: tắm tượng, cúng Phật và Chạy đàn. Còn phần hội mọi người sẽ cùng nhau chơi các trò chơi dân gian đậm chất xứ Đoài như: kéo co, xem múa rối nước, đánh cờ vật hay chọi gà,…  

Chùa Tây Phương Thạch Thất - lễ hội

Ảnh: @kunzlove3

Kinh nghiệm du lịch chùa Tây Phương

- Du lịch Hà Nội đến chùa Tây Phương đây là nơi thờ Phật do đó khi chuẩn bị lễ vật đến dâng hương bạn chỉ nên dâng lễ chay như: hương, hoa, oản, nước, xôi chè,... chứ không dùng lễ mặn.

- Ăn mặc lịch sự, kín đáo. Vào trong chùa thắp hương thì không đội mũ, đeo kính râm. 

- Chùa Tây Phương là chốn linh thiêng, không nên chụp ảnh check in quá nhiều gây ảnh hưởng đến sự thanh tịnh của chùa. Nếu muốn quay video thì tốt nhất là nên xin phép ban quản lý trước.

- Không tuỳ tiện sờ hay đụng chạm vào các đồ vật trong chùa.

- Chú ý giữ gìn vệ sinh, không xả rác bừa bãi gây ảnh hưởng đến vẻ đẹp của chùa.

- Đến tham quan, viếng Phật ở chùa Tây Phương Hà Nội không nên mang theo quá nhiều vật giá trị, giấy tờ quan trọng hay tiền bạc,... Nhất là vào những dịp Lễ hội đông người dễ bị kẻ gian lợi dụng móc trộm.

Chùa Tây Phương Thạch Thất - lưu ý
Ảnh: @anthony.a.diary

Nằm ẩn mình trên ngọn đồi cao, kiến trúc cổ kính nhuốm màu rêu phong qua bao thăng trầm. Thế nhưng đối với nhiều người mỗi khi được đặt đến chùa Tây Phương Thạch Thất để vãn cảnh, viếng Phật hay chiêm ngưỡng các pho tượng quý giá luôn là chuyến đi khó quên. Nếu có thời gian bạn nên ghé nơi này để cảm nhận sự thanh bình và an yên, thanh tịnh cho tâm hồn nhé!

Theo luhanhvietnam.com.vn

Ảnh: Internet

LIKE PAGE XEM TIN MỚI MỖI NGÀY
Scroll