Tháp Bình Sơn: Kiệt tác kiến trúc cổ kính trong lòng Vĩnh Phúc
admin | Đăng lúc 14:25 - 22/02/2022

Tháp Bình Sơn (còn gọi là Tháp chùa Vĩnh Khánh, Tháp Then) tọa lạc tại thị trấn Tam Sơn, huyện Sông Lô, tỉnh Vĩnh Phúc. Kiến trúc tháp Bình Sơn được coi là một công trình mang dấu ấn độc đáo, xây dựng từ thời Lý – Trần và vẫn còn giữ được hầu như nguyên vẹn cho tới ngày nay.

 

 

Toàn cảnh tháp Bình Sơn cổ kính trong lòng Vĩnh Phúc
Toàn cảnh tháp Bình Sơn cổ kính trong lòng Vĩnh Phúc

 

Kiến trúc độc đáo của tháp Bình Sơn

 

Ban đầu tháp Bình Sơn có tổng cộng 15 tầng. Bởi phần chóp của tháp đã bị vỡ nên hiện nay chỉ còn 11 tầng và tầng bệ. Chiều cao tổng đo được là 16,5m. Thời trước đây khi còn nguyên vẹn, trên nóc có đặt một búp sen chưa nở bằng đất nung tạo sự hài hòa cho toàn bộ cây tháp. Chiều dài cạnh tầng thứ 11 là 1,55m, cạnh tầng dưới cùng dài 4,45m. Tháp được xây dựng theo khối hình vuông, càng lên cao càng nhỏ dần.

 

Các nghệ nhân đã sử dụng hai loại gạch nung để xây các phần còn lại của tòa tháp. Chân bệ tháp xây bằng “gạch khẩu” hình chữ nhật, có nhiều cỡ. Mặt ngoài của tháp được ốp bằng loại gạch hình hộp. Trên gạch trang trí hoa văn phong phú đa dạng tùy theo kiến trúc của mỗi tầng. Ở giữa lòng tháp không xây kín mà là một khoảng trống nhỏ.

Hoa văn tinh xảo trên gạch chứng tỏ bàn tay của các nghệ nhân vô cùng điêu luyện
Hoa văn tinh xảo trên gạch chứng tỏ bàn tay của các nghệ nhân vô cùng điêu luyện

 

Từ bệ tháp đến hết tầng hai có chiều cao khoảng 6m. Đây là nơi được các nghệ nhân trang trí hoa văn tinh xảo, kỹ lưỡng nhất. Bao gồm cánh sen, hoa cúc, rồng chạm nổi có sừng và cuộn tròn mình. Mô-típ cặp “sư tử hí cầu” ở chân bệ tháp đơn giản hơn, không có họa tiết trên thân… Hai tầng này có tầm nhìn gần với du khách nhất. Có thể chiêm ngưỡng và cảm nhận được hầu như toàn bộ kiến trúc tháp Bình Sơn.

Cho đến ngày nay hầu như tháp vẫn còn nguyên vẹn
Cho đến ngày nay hầu như tháp vẫn còn nguyên vẹn

 

Từ tầng thứ ba trở lên các nghệ nhân vẫn trang trí. Nhưng vì chiều ngang mặt tháp càng lên cao càng nhỏ dần nên họa tiết sẽ giảm và chỉ đơn giản như hoa chanh, lá sòi… Để những viên gạch có thể gắn với nhau và giữ được trong thời gian lâu như vậy, các nghệ nhân đã nghĩ ra cách chế tác gạch có chân, có gờ, sau khi xếp vào vị trí cố định sẽ liên kết thành một khối.

Bí ẩn những truyền thuyết về tháp Bình Sơn                        

 

Có rất nhiều những truyền thuyết bí ẩn về di tích cổ kính này. Chứng tỏ rằng đối với người dân bản địa, cây tháp có một vị trí đặc biệt cả về tâm linh lẫn đời sống.

Truyền thuyết về xuất xứ tháp Bình Sơn

 

Thời xa xưa, ở giữa cánh đồng Nẫu tại xã Tứ Yên, Lập Thạch, tháp Bình Sơn được dựng lên tại đây. Các cụ cao niên kể lại rằng không hiểu tại sao chỉ sau một đêm mưa bão lớn, tháp đã tự “nhảy” về vị trí hiện nay, tức địa phận thị trấn Tam Sơn.

Truyền thuyết con vịt vàng

 

Truyền thuyết kể rằng xưa kia còn có một cây tháp khác màu xanh đứng cạnh bên tháp Bình Sơn. Một đêm nọ sau tiếng ầm lớn, cây tháp xanh biến mất. Chỗ đó trở thành cái giếng hình bàn chân khổng lồ. Tương truyền rằng vào những đêm trăng sáng sẽ xuất hiện một con vịt bằng vàng bơi ở đây. Hiện nay chiếc giếng ấy vẫn còn, nhưng con vịt vàng thì là một điều bí ẩn. Đến nay chưa một người dân Tam Sơn nào nhìn thấy nó.

Truyền thuyết chiếc giếng bên cạnh tháp và con vịt vàng
Truyền thuyết chiếc giếng bên cạnh tháp và con vịt vàng

 

Truyện ông Ngụy Đồ Chiêm

 

Ông Ngụy Đồ Chiêm, vốn là con của một người đàn bà bán nước tại chân tháp. Ông hay giúp đỡ mọi người nên rất được yêu mến. Lúc đó có một bọn cướp thường xuyên tới hành hạ dân lành trong vùng. Ông Chiêm đã tập hợp những thanh niên cường tráng trong làng. Ban ngày lên núi luyện tập, đêm về thay nhau canh gác bảo vệ làng xóm.

 

Có kẻ xấu thưa với quan trên ông Chiêm đang chiêu mộ dân binh để mưu phản. Triều đình cho quân đi đánh dẹp, dân binh tan vỡ. Ngụy Đồ Chiêm đã ôm kiếm chạy vào cây tháp rồi biến mất.

Đi tới tháp Bình Sơn theo đường nào?

Năm 2015, tháp Bình Sơn được xếp hạng di tích đặc biệt
Năm 2015, tháp Bình Sơn được xếp hạng di tích đặc biệt

 

Đường bộ: Du khách tới thành phố Vĩnh Yên, đi theo tỉnh lộ 305 đến Lập Thạch. Sau đó đi tiếp tỉnh lộ 307 và 307B đến Tam Sơn. Từ trung tâm thị trấn Tam Sơn đi thêm khoảng 1km nữa để tới tháp Bình Sơn.

 

Đường sắt: Du khách đi tàu chạy tuyến Hà Nội – Lào Cai, xuống tại ga Vĩnh Yên. Sau đó đi theo tuyến đường bộ theo hướng dẫn trên để đến khu di tích tháp Bình Sơn.

 

Đường thủy: Khách du lịch trên tuyến Sông Lô có thể thuận lợi đi tới tháp Bình Sơn. Bởi khu di tích chỉ cách bến Then khoảng 3km.

 

Trên đây là một số thông tin về khu di tích tháp Bình Sơn, nơi được coi là “báu vật” kiến trúc có từ thời Trần. Mong bạn sẽ có một chuyến tham quan cùng gia đình, bạn bè thật vui vẻ và bổ ích.

LIKE PAGE XEM TIN MỚI MỖI NGÀY
Scroll