Tham quan ngôi chùa Minh Thành huyền ảo nằm giữa lòng phố núi
admin | Đăng lúc 10:22 - 22/01/2022

Phố núi Gia Lai từ lâu đã nổi tiếng với những hạt cà phê, nghìn năm đất bazan đỏ. Thế nhưng đâu chỉ có vậy! Mảnh đất này còn nổi tiếng với một ngôi chùa với kiến trúc độc đáo. Đó là chùa Minh Thành. Sau đây hãy cùng mình tham quan chùa Minh Thành qua bài viết dưới đây nhé!

 

Chùa Minh Thành ở đâu?

Chùa Minh Thành nằm tại số 348 đường Nguyễn Viết Xuân, phường Hội Phú, thành phố Pleiku, tỉnh Gia Lai. Nơi này cách trung tâm thành phố Pleiku rất gần, chỉ vào khoảng 2 km. Vì vậy rất tiện cho việc đi lại tham quan. Tọa lạc trên một ngọn đồi thoai thoải, chùa mang một vẻ đẹp huyền bí, hư ảo như những chốn bồng lai tiên cảnh.

Khám phá lịch sử chùa Minh Thành

Chùa Minh Thành với vẻ trang nghiêm, thanh tịnh
Chùa Minh Thành với vẻ trang nghiêm, thanh tịnh

Chùa Minh Thành được xây dựng vào năm 1964, bởi hòa thượng Thích Giác Đạo. Các kiến trúc sư đã dựa trên những đặc điểm của thời Lý-Trần để thiết kế nên ngôi chùa này.

Tuy nhiên trải qua sự khắc nghiệt của thời gian, chùa đã bị hư hại nhiều. Vì vậy, một quá trình trùng tu kéo dài 10 năm, bắt đầu từ 1997 được diễn ra. Sau quá trình này, chùa vẫn giữ được cho mình những đặc trưng cũ, đồng thời thêm vào những ảnh hưởng từ kiến trúc các nước xung quanh.

Hiện nay chùa đang được trụ trì bởi Đại đức Thích Tâm Mãn. Thầy đã từng đi học tại Đài Loan trong 7 năm. Thầy là người có trình độ học vấn cao, thậm chí là tu sĩ duy nhất ở Việt Nam có bằng cao học về mỹ thuật học Phật giáo, kiến trúc chùa tháp Phật giáo, nghệ thuật Phật giáo.

Vẻ đẹp kiến trúc độc đáo của chùa Minh Thành

Chánh điện của chùa được xây dựng theo một hình thức đơn giản. Đó là hình thức của mạn-đà-la (maṇḍala). Vòng tròn tượng trưng như một đóa hoa sen nở trọn – căn bản của vũ trụ luận Mật giáo. Kiến trúc mái nhà được sử dụng kết cấu theo phong cách kiến trúc thời nhà Lý-Trần. Đây là một công trình tiêu biểu cho việc phục dựng hình ảnh kiến trúc cổ Việt Nam, đặc biệt là thời điểm huy hoàng của Phật Giáo trong thời Lý, Trần của Việt Nam. Với đặc điểm phức tạp và hoa mỹ mang tính nghệ thuật cao, kết cấu bền vững tỉ mỉ từng chi tiết như con sơn, khớp mộng đòi hỏi những người thợ lành nghề nhất nắm được những kỹ thuật xưa cũ mới có thể thực hiện được. Có thể nói đây là công trình phục dựng kiến trúc cổ Việt Nam có tâm có tầm nhất hiện nay tại Việt Nam.

Khuôn viên trong chùa

Điều làm bạn ấn tượng đầu tiên khi đến đây đó là “kiến trúc xanh” tại khuôn viên chùa. Những cây xanh được bố trí, nhấn nhá rất hợp lí. Xung quanh những hồ nhỏ trong chùa, bạn sẽ bắt gặp các nhánh liễu rủ buông tạo nên sự thơ mộng như trong tranh vẽ. Trên những con đường đi, những mảng rêu phong bám trên các bức tường cũng tạo nên vẻ cổ kính, nghiêm trang của nơi này. Tất cả tạo nên một không gian thanh tịnh, yên bình hiếm có.

Tượng Phật Bà Quan Âm với vẻ hiền từ
Tượng Phật Bà Quan Âm với vẻ hiền từ

Ngay chính giữa cửa ra vào là Tượng Phật Bà Quan Âm. Xung quanh là những cột đá, đằng trước là lư hương. Phật bà đứng trang nghiêm hiền từ giữa hương khói hư ảo phù hộ độ trì cho những phật tử, du khách tới đây.

Trên đường đến với đại sảnh, bạn sẽ bắt gặp một thứ rất quen thuộc, đã thấy ở các ngôi chùa khác. Đó là những lời khuyên, răn dạy của Phật dành cho chúng sinh

Phía ngoài chánh điện

Tượng 18 vị La Hán phía trước chánh điện
Tượng 18 vị La Hán phía trước chánh điện

Ngay phía trước chánh điện, bạn sẽ nhìn thấy tượng của 18 vị La Hán được làm bằng đá. Khu tăng phường gồm trai đường, giảng đường, thiền đường và tàng kinh cát nằm bên phải chánh điện. Khu này có diện tích rất rộng, lên đến hàng nghìn mét vuông. Bên phải chánh điện là tòa bảo tháp xá lợi cao 9 tầng.

Cũng nằm bên trái Chánh điện là tháp Từ Ân thờ tổ khai sơn. Tháp cao ba tầng với các hoa văn và kiến trúc vừa mang nét đặc trưng của dân tộc lại vừa có nét tương đồng với những ngôi đền của Nhật Bản.

Tháp chuông chứa quả chuông 4 tấn bên trong
Tháp chuông chứa quả chuông 4 tấn bên trong

Tháp chuông tôn trí đại hồng nằm phía bên trái chánh điện. Trong tháp có chứa quả chuông nặng tới 4 tấn. Kiến trúc của ngôi tháp này có nét na ná với chùa Một Cột ở thủ đô. Nếu muốn ngắm toàn cảnh chùa, bạn có thể đi cầu thang bộ lên.

Chánh điện

Chánh điện của chùa Minh Thành
Chánh điện của chùa Minh Thành

Chánh điện chùa Minh Thành cao 16 m. Khi đứng trước công trình này, đảm bảo bạn sẽ phải trầm trồ thán phục. Chánh điện có cấu trúc 2 tầng. Trần nhà được làm bằng gỗ pơ mu, một loại gỗ nổi tiếng của Tây Nguyên. Đặc biệt ,bộ cửa làm bằng gỗ gõ với những đường nét chạm trổ nổi lên hình ảnh Tứ Đại Thiên Vương tinh xảo, bắt mắt. Với chiều cao 6 m, bề dày 4 tấc, đây là bộ cửa lớn nhất nhì ở Việt Nam hiện nay.

Tháp bảo xá lợi

Đây có thể được coi là ngôi bảo tháp có 1-0-2 tại Việt Nam. Tháp có kết cấu 9 tầng, cao tới 72 m. Tháp được xây dựng từ trên đỉnh xuống dưới. Đây là một điều tưởng chừng như không thể thực hiện được. Tháp có gam màu chủ đạo là đỏ cùng với lối kiến trúc độc đáo. Bạn sẽ có liên tưởng đến các ngôi đền ở xứ Phù Tang.

Tháp bảo xá lợi cao 9 tầng với màu đỏ chủ đạo
Tháp bảo xá lợi cao 9 tầng với màu đỏ chủ đạo

Đặt bên trong bảo tháp là 4 vị Thiên Thủ Thiên Nhãn cao tới 8 m và ngang 3.5 m. Tất cả đều được làm bằng gỗ mít và chạm trổ tinh xảo. Tầng 1 và các tầng khác là nơi thờ thất Phật và Xá Lợi của đức Phật Thích Ca Mâu Ni.

Chùa Minh Thành là niềm tự hào vùng đất Tây Nguyên. Nếu có dịp đến với Gia Lai, bạn hãy ghé chùa thắp nén nhang thơm và tham quan quang cảnh. Cảm ơn các bạn đã đón đọc.

LIKE PAGE XEM TIN MỚI MỖI NGÀY
Scroll