Đến thăm tháp Chàm khám phá dấu ấn nền văn hóa tín ngưỡng xa xưa
admin | Đăng lúc 13:06 - 22/08/2022

Tháp Chàm Ninh Thuận hay còn được gọi với cái tên tháp Po Klong Garai. Đây là cụm tháp Chăm đẹp và đồ sộ bậc nhất còn sót lại trên đất Việt ngày nay. Nó là một dấu ấn lưu lại để minh chứng cho sự tồn tại của một nền văn hóa, một tín ngưỡng và một đất nước đã từng là “cường quốc” trong quá khứ.

 

Tháp Chàm ở đâu?

Tháp Chàm (hay tháp Po Klong Garai) thuộc phường Đô Vinh, thành phố Phan Rang, Ninh Thuận. Tháp tọa lạc trên đỉnh ngọn đồi Trầu. Đây là một ngọn đồi có cảnh sắc đẹp, tôn lên vẻ hùng vĩ của di tích tháp Chàm. Mời bạn chiêm ngưỡng vẻ đẹp trên qua hình ảnh tháp Chàm Ninh Thuận dưới đây

Tháp Chàm trầm mặc, cổ kính trên ngọn đồi Trầu
Tháp Chàm trầm mặc, cổ kính trên ngọn đồi Trầu

Lịch sử Tháp Chàm Ninh Thuận

Tháp được xây dựng bởi vua Shihavaman. Cụm tháp này được dựng lên nhằm tỏ lòng biết ơn, tôn kính đối với vị vua Po Klong Garai. Ông sinh năm 1151, mất năm 1205 và là một vị vua có công lớn cho đất nước Chăm xưa.

Cụm tháp này được xây dựng vào khoảng cuối thế kỉ 13 – đầu thế kỉ 14. Đây là thời kì tại Chăm Pa đang thịnh hành phong cách Bình Định. Ban đầu, công trình này được xây dựng với 6 tháp. Tuy nhiên trải qua sự khắc nghiệt của thời gian, ngày nay chỉ còn 3 tháp tồn tại nguyên vẹn.

Kiến trúc độc đáo của tháp Chàm Ninh Thuận

Là một công trình của dân tộc Chăm trong thời đại “phong cách Bình Định”, nghiễm nhiên tháp mang đầy đủ những dấu ấn đậm nét nhất của phong cách này. Tại thời kì này, phong cách mảng khối được chú trọng hơn đường nét.

Tháp Chàm được xây dựng bằng loại gạch đỏ đặc trưng của dân tộc Chăm. Loại gạch này được nung với kĩ thuật, độ nung hoàn hảo. Sau khi nung có thể được điêu khắc trực tiếp lên gạch. Hơn nữa, giữa hai viên gạch không hề có mạch vữa như thông thường. Một số nhà nghiên cứu cho rằng chất kết dính đó là dầu rái. Tuy nhiên, đến nay nó vẫn còn là một ẩn số chưa có giải thích thỏa đáng.

Cụm tháp này gồm 3 tháp: tháp Cổng, tháp Lửa và tháp Chính

Tháp Cổng

Tháp Cổng quay ra phía Đông. Nó gồm hai cửa thông nhau theo trục Đông – Tây. Tháp cao gần 9m, có hoa văn tinh xảo và đỉnh tháp hình chóp. Đây chính là nơi diễn ra hành lễ, cũng tế hay đón khách ngày xưa.

Tháp Lửa

Tháp Lửa đặc trưng với cấu trúc mái hình thuyền
Tháp Lửa đặc trưng với cấu trúc mái hình thuyền

Tháp Lửa nằm chếch về phía Nam so với tháp Cổng. Tháp cao 9,31 mét, dài 8,18m và rộng 5 mét. Tháp có hai cửa thông nhau và còn có cả cửa sổ. Gây ấn tượng tại công trình này chính là chiếc mái cong hình thuyền, mang đậm dấu ấn tín ngưỡng Bà La Môn. Theo một số thông tin, tháp Lửa là nơi cúng tế của các tu sĩ. Đây cũng là nơi để các vật dụng quan trọng của vua.

Tháp Chính

Trọng tâm của quần thể - tháp Chính
Trọng tâm của quần thể – tháp Chính

Đây chính là trọng tâm của cụm tháp Chàm Ninh Thuận. Tháp có 4 cửa tất cả: 1 cửa chính và 3 cửa phụ. Cửa chính nằm ở phía Đông, có điêu khắc hình ảnh thần Siva. Ngoài ra còn có hai trụ đá đỡ lấy cổng được khắc chữ Chăm cổ. Ba cửa phụ tỏa ra 3 hướng còn lại. Tháp cao 20,5m, được thiết kế với kiến trúc 2 tầng. Đây chính là tháp thờ các vua với biểu tượng Mukha – Linga.

Lễ hội tháp Chàm

Để tưởng nhớ các vị vua Chăm Pa, hàng năm có rất nhiều lễ hội được tổ chức. Các lễ hội này mang đậm dấu ấn văn hóa, tín ngưỡng đặc trưng của người dân. Trong 1 năm có 4 lễ hội diễn ra. Đó là lễ đầu năm (tháng giêng), lễ cầu mưa (tháng 4), lễ Kate (tháng 7) và lễ Chabun (tháng 9). Bạn nhớ chú ý là các lễ hội trên đều được tổ chức theo lịch Chăm nhé!

Một hình ảnh của lễ hội Kate
Một hình ảnh của lễ hội Kate

Trong các lễ trên thì lễ hội chính và được tổ chức lớn nhất là lễ Kate. Lễ hội được diễn ra xuyên suốt trong 3 ngày liền. Trong lễ hội này, bạn sẽ có dịp tận mắt chiêm ngưỡng những điệu múa “thương hiệu” của dân tộc Chăm. Đó là những điệu múa quạt, múa Siva qua sự thể hiện của các cô gái Chăm duyên dáng. Ngoài ra, bạn còn có dịp được xem những hoạt động tín ngưỡng truyền thống của dân tộc này.

Quà lưu niệm

Ở bảo tàng văn hóa dân tộc Chăm, bạn có thể tìm mua những món đồ đặc trưng như đồ gốm hay các sản phẩm thổ cẩm. Những món đồ này đều rất xinh xắn. Hơn nữa trong nó còn thể hiện được những nét văn hóa đặc sắc của người Chăm, rất thích hợp để làm quà.

Giữa nắng táp mưa sa của vùng đất miền Trung, tháp Chàm vẫn đứng sừng sững trên đỉnh ngọn đồi với vẻ trầm mặc của thời gian. Nếu có dịp đến với Ninh Thuận, bạn nhất định hãy ghé thăm quần thể này một lần nhé! Hi vọng các bạn có những chuyến đi vui vẻ và bổ ích.

Theo Poliva

LIKE PAGE XEM TIN MỚI MỖI NGÀY
Scroll