Côn Sơn Kiếp Bạc- Nơi gìn giữ những giá trị văn hóa lịch sử
admin | Đăng lúc 12:52 - 21/12/2022

Ngày nay, du lịch tâm linh, lịch sử đang dần trở thành một hình thức du lịch phổ biến, được ưa chuộng bởi nhiều thế hệ khác nhau. Hình thức du lịch này góp phần gìn giữ các giá trị lịch sử, văn hoá, kiến trúc, nghệ thuật qua nhiều thời kì. Trong bài viết này, hãy cùng đến với một địa điểm nổi tiếng thuộc tỉnh Hải Dương, nơi được chứng nhận trong danh sách 62 di tích quốc gia đặc biệt. Địa điểm được nhắc tới ở đây chính là khu di tích lịch sử-văn hoá Côn Sơn Kiếp Bạc.

 

Giới thiệu chung về Côn Sơn – Kiếp Bạc

Quần thể khu di tích Côn Sơn Kiếp Bạc thuộc địa bàn huyện Chí Linh, tỉnh Hải Dương. Nơi đây là địa điểm lưu giữ những chiến công oanh liệt của quân và dân nhà Trần trong trận chiến lịch sử 3 lần đánh thắng quân Mông Nguyên vào thế kỉ 13.

Bên cạnh đó, cũng chính tại nơi này đã từng chứng kiến những chiến công hiển hách của nghĩa quân Lam Sơn trong cuộc kháng chiến chống giặc Minh.

Côn Sơn Kiếp Bạc - Nơi gìn giữ những giá trị văn hoá lịch sử

Đây chính là địa điểm gắn với những cái tên lẫy lừng trong lịch sử dân tộc là Hưng Đạo Vương- Trần Quốc Tuấn, Nguyễn Trãi, Trần Nguyên Đán, Pháp Loa…

Côn Sơn Kiếp Bạc được phê duyệt quy hoạch thành tổng thể khu bảo tồn di tích lịch sử-văn hoá Côn Sơn Kiếp Bạc vào năm 2010, và được công nhận trở thành khu di tích quốc gia đặc biệt vào năm 2012.

Côn Sơn Kiếp Bạc - Nơi gìn giữ những giá trị văn hoá lịch sử

Ngoài việc ngắm nhìn cảnh sắc thiên nhiên trù phú, chiêm ngưỡng các công trình kiến trúc vượt lịch sử, du khách còn có cơ hội để ngược dòng thời gian, tìm hiểu những câu chuyện kháng chiến oai hùng chống giặc ngoại xâm, về những vị anh hùng hào kiệt đã ghi tên mình vào dòng chảy lịch sử hào hùng của dân tộc.

2. Hướng dẫn di chuyển đến Côn Sơn Kiếp Bạc

Để di chuyển đến khu di tích, du khách có thể lựa chọn nhiều hình thức di chuyển khác nhau bằng nhiều loại phương tiên như xe khách, xe máy, ô tô, xe du lịch…

Với xe khách, xuất phát từ các bến xe tại Hà Nội, giá vé giao động từ 70.000-100.000 VNĐ/vé. Với du khách tự di chuyển, lộ trình ngắn nhất dài khoảng 90km từ trung tâm thành phố Hà Nội.

Đi theo hướng cầu Thanh Trì, rẽ sang đường 18 hướng Phả Lại, qua cầu Phả Lại và đi thêm 50km đến ngã ba Sao Đỏ, tiến thẳng hướng Quảng Ninh sau đó rẽ trái sẽ thấy biển chỉ dẫn đi tới Côn Sơn Kiếp Bạc.

3. Thời điểm thích hợp để du lịch Côn Sơn Kiếp Bạc

Tuỳ vào lịch trình thích hợp của mình mà du khách có thể lựa chọn tới tham quan, du lịch tại Côn Sơn Kiếp Bạc. Tuy nhiên có 2 thời điểm rất thích hợp để du lịch trong năm đó là khoảng thời gian từ tháng 1-tháng 3 và từ tháng 8-tháng 10 hằng năm.

Côn Sơn Kiếp Bạc - Nơi gìn giữ những giá trị văn hoá lịch sử

Thời điểm mùa xuân và cuối mùa hạ, thời tiết đẹp, khô ráo, thích hợp cho các hoạt động tham quan, trải nghiệm. Thêm vào đó, vào 2 khoảng thời gian này, tại Côn Sơn Kiếp Bạc sẽ diễn ra lễ hội mùa xuân và lễ hội mùa thu, rất đáng để du khách trải nghiệm.

4. Giá vé tham quan Côn Sơn Kiếp Bạc

  • Giá vé tham quan khu di tích Côn Sơn: 15.000 VNĐ/ vé người lớn và trẻ em cao từ 1m2; Trẻ em cao dưới 1m2 được miễn phí vé
  • Giá vé tham quan khu di tích Kiếp Bạc: 15.000 VNĐ/vé người lớn và trẻ em cao từ 1m2; Trẻ em cao dưới 1m2 được miễn phí vé

5. Côn Sơn Kiếp Bạc có gì?

5.1. Chùa Côn Sơn

Chùa Côn Sơn hay còn được gọi với tên gọi “ Thiên Tư Phúc Tự”, “ Chùa Hun”. Ngôi chùa được xây dựng vào thế kỉ XIV, thuộc một trong 3 trung tâm của thiền phái Trúc Lâm.

Ngôi chùa cổ kính được xây dựng trên đỉnh núi Côn Sơn, thuộc địa phận huyện Chí Linh. Trong lịch sử, ngôi chùa này từng là địa điểm diễn ra cuộc hoả công tạo khói để vây bắt tướng quân Ngô của Đinh Bộ Lĩnh thế kỉ X.

Côn Sơn Kiếp Bạc - Nơi gìn giữ những giá trị văn hoá lịch sử

Chùa Côn Sơn hiện nay còn lưu giữ lại các công trình Tam Quan, Tiền Đường, Thiêu Hương và Thượng Điện. Đến chùa Côn Sơn, du khách sẽ có cơ hội chiêm ngưỡng các công trình kiến trúc lâu đời trong khuôn viên chùa.

Ngoài ra còn có thể tìm hiểu các công trình khác như Giếng Ngọc tại chân núi Kỳ Lân, Bàn Cờ Tiên trên đỉnh Côn Sơn-nơi Nguyễn Trãi và các bậc tiền nhân từng chơi cờ, vãn cảnh.

Vào năm 2017, chùa Côn Sơn được tôn tạo lại, trở thành điểm nhấn đặc biệt trong toàn bộ cảnh quan khu di tích Côn Sơn Kiếp Bạc với công trình Cửu Phẩm Liên Hoa.

Công trình này gồm nhà Phẩm và cây Phẩm 9 tầng, được xây dựng bằng gỗ lim, đá xanh và gạch Bát Tràng. Toàn bộ công trình được thiết kế với tạo hình bông sen 3 lớp thanh thoát giữa núi rừng.

5.2. Đền thờ Nguyễn Trãi

Khu di tích Côn Sơn Kiếp Bạc cũng là nơi gắn bó với tên tuổi người anh hùng dân tộc Nguyễn Trãi. Do đó, ngay tại nơi này, một đền thờ được lập nên, toạ lạc dưới chân núi Ngũ Nhạc, Kỳ Lân, tựa lưng mình vào Tổ Sơn.

Đền thờ gồm các hạng mục công trình là đền Chính, đền Tả, đền Hữu, Nghi môn, cầu Thấu Ngọc, miếu Giải Oan…Lối kiến trúc thiết kế thời Hậu Lê, được bao quanh bởi suối Côn Sơn như một bản hoà ca êm dịu của núi rừng.

Côn Sơn Kiếp Bạc - Nơi gìn giữ những giá trị văn hoá lịch sử

Khu vực phía sau của đền Chính là nơi đặt bức tượng đồng Ức Trai linh từ Nguyễn Trãi cao 1,4m, nặng gần 600kg. Đền thờ Nguyễn Trãi chính là một công trình đặc biệt, một không gian riêng lưu trữ tâm hồn, phong thái của vị anh hùng dân tộc này.

5.3. Đền Kiếp Bạc

Đền Kiếp Bạc là nơi thờ phụng Hưng Đạo Vương Trần Quốc Tuấn. Cái tên Kiếp Bạc được ghép vào giữa 2 địa danh là thôn Dược Sơn và Vạn Kiếp, xã Hưng Đạo, huyện Chí Linh.

Trong lịch sử, Kiếp Bạc là nơi được Trần Quốc Tuấn chưng dụng làm nơi trữ lương thực, huấn luyện các binh sĩ trong cuộc kháng chiến chống quân Mông Nguyên.

Côn Sơn Kiếp Bạc - Nơi gìn giữ những giá trị văn hoá lịch sử

Khu vực đền Kiếp Bạc được xem là nơi tụ khí tốt, với tầm nhìn hướng ra sông Thương, tựa lưng vào núi Rồng, tả hữu hướng núi Bắc Đẩu, núi Nam Tào.

Công trình đền Kiếp Bạc bao gồm các hạng mục Tam Quan, Giếng Ngọc, toà điện thờ Trần Quốc Tuấn, Phạm Ngũ Lão, phu nhân Hưng Đạo Vương- công chúa Thiên Thành và 2 người con gái.

Côn Sơn Kiếp Bạc - Nơi gìn giữ những giá trị văn hoá lịch sử

Thứ tự các công trình là điện ngoài cùng thờ Phạm Ngũ Lão, điện thứ hai thờ Trần Quốc Tuấn, điện cuối cùng thờ phu nhân của ngài và 2 con gái.

Tại đền Kiếp Bạc có đặt tổng cộng 7 pho tượng thờ: Trần Quốc Tuấn, phu nhân, 2 con gái của ngài, Phạm Ngũ Lão và Nam Tào, Bắc Đẩu. Thêm vào đó là 4 bài vị thờ con trai của ngài cùng 2 vị tướng tài giỏi là Yết Kiêu và Dã Tượng.

5.4. Đền thờ Trần Nguyên Hãn

Trần Nguyên Hãn là em con cậu ruột của Nguyễn Trãi. Được xây dựng nằm trên khu vực đền thờ Nguyễn Trãi, đền thờ Trần Nguyên Hãn được đặt ven bờ suối, với mục đích thờ phụng và ghi nhớ công ơn của vị công thần nhà Lê này.

Trần Nguyên Hãn chính là vị công thần đã cùng Nguyễn Trãi phò tá vua Lê Lợi trong kháng chiến chống quân Minh xâm lược.

Côn Sơn Kiếp Bạc - Nơi gìn giữ những giá trị văn hoá lịch sử

5.5. Đền thờ Trần Nguyên Đán

Được đặt tại thượng nguồn của dòng suối Côn Sơn, nằm trên cả đền thờ Nguyễn Trãi và Trần Nguyên Hãn. Đền thờ Trần Nguyên Đán được xây dựng nên bởi vua nhà Trần, nhằm ghi nhớ công ơn vị Tướng quốc đã nuôi dạy nên Nguyễn Trãi và xây dựng nên công trình kiến trúc bên trong núi Côn Sơn. Bên trong đền thờ là các bức hoành phi câu đối, tượng Quan Tư Đồ uy nghiêm.

Côn Sơn Kiếp Bạc - Nơi gìn giữ những giá trị văn hoá lịch sử

5.6. Lễ hội Côn Sơn Kiếp Bạc

5.6.1 Lễ hội mùa xuân

Được tổ chức vào thời gian 16-23 tháng GIêng âm lịch để tưởng nhớ tới ngày Thánh tổ Huyền Quang viên tịch. Lễ hội mùa xuân Côn Sơn Kiếp Bạc đã trở thành một nét đẹp văn hoá truyền thống lâu đời của người dân nơi đây.

Côn Sơn Kiếp Bạc - Nơi gìn giữ những giá trị văn hoá lịch sử

Trong thời gian diễn ra lễ hội, rất nhiều hoạt động, nghi thức được tổ chức long trọng như nghi thức tế lễ, diễn xướng, rước nước, khai hội mùa xuân, lễ tế trên núi Ngũ Nhạc…cùng nhiều trò chơi dân gian thú vị như đua thuyền, pháo đất, chọi gà, cờ người…và các cuộc thi nấu ăn, hoạt động nghệ thuật đặc sắc.

5.6.2. Lễ hội mùa thu

Diễn ra vào ngày 15-20 tháng 8 âm lịch để tưởng nhớ ngày mất Hưng Đạo Vương Trần Quốc Tuấn. Tương truyền rằng, mùa thu mang tượng âm, còn Đức Thánh Trần là tượng dương, ngày chính giữa thu tức là ngày 15 tháng 8 âm lịch chính là thời khắc âm dương hoà hợp lại với nhau, cầu mong cho mùa màng tốt tươi, mưa thuận gió hoà.

Côn Sơn Kiếp Bạc - Nơi gìn giữ những giá trị văn hoá lịch sử

Trong thời gian diễn ra lễ hội, các nghi lễ truyền thống được diễn ra bao gồm nghi lễ dâng hương, lễ khai ấn, ban ấn đền Kiếp Bạc, lễ giỗ Đức Thánh Trần.

Cùng với đó là hoạt động tưởng nhớ ngày mất của người anh hùng dân tộc Nguyễn Trãi, lễ hội hoa đăng cùng hàng loạt trò chơi dân gian hấp dẫn như múa rối, đua thuyền…

6. Một số kinh nghiệm cần lưu ý khi du lịch Côn Sơn Kiếp Bạc

Côn Sơn Kiếp Bạc - Nơi gìn giữ những giá trị văn hoá lịch sử

  • Do đặc thù là khu du lịch tâm linh, lịch sử-văn hoá, du khách đến tham quan nên mặc trang phục kín đáo, lịch sự, không mặc trang phục hở hang, váy ngắn qua đầu gối
  • Tránh cười đùa, tỏ thái độ thiếu nghiêm túc tại chốn linh thiêng
  • Nên chuẩn bị giày thể thao, giày vải mềm để chuẩn bị hành trình leo đồi, núi lên các công trình đền ở trên cao
  • Chuẩn bị thêm ô, mũ, dụng cụ chống nắng cần thiết khi đi tham quan

7. Ăn gì ở Côn Sơn Kiếp Bạc

7.1. Trà sen Kiếp Bạc

Văn hoá thưởng trà từ lâu đã trở thành một nét đẹp đặc biệt của người Việt, trong đó trà sen là một loại trà đặc biệt, chứa đựng những giá trị tinh hoa của dân tộc.

Trà sen Kiếp Bạc không chỉ để thưởng thức mà còn là loại trà đặc biệt được dùng để đặt lễ dâng lên Đức Thánh Trần. Trà sen Vạn Kiếp với cách thưởng trà mang đầy nghệ thuật, nước pha trà lấy từ Giếng Mắt Rồng, mạch nước ngầm trong lành và tinh khiết.

Du khách đến Côn Sơn Kiếp Bạc tham quan, du lịch, thưởng thức một ly trà sen Kiếp Bạc thanh mát, tại chính nơi phủ đệ của những vị anh hùng dân tộc, thì quả là không gian thưởng trà có một không hai.

7.2. Cá chép lưng gù

Cá chép lưng gù là đặc sản của vùng Côn Sơn Kiếp Bạc, được khai thác tại sông Lục Đầu, cá sinh trưởng trong môi trường hoàn toàn tự nhiên, mang những đặc điểm khác biệt so với cá chép ở các vùng khác.

Cá chép Kiếp Bạc có đầu tròn và nhỏ, lưng gù, thịt cá chắc và ngọt, mùi vị không tanh. Cá chép lưng gù được chế biến thành nhiều món ăn hấp dẫn như cá nướng, cá om dưa, cá xào lăn, làm gỏi..

7.3. Nem hến

Một trong những món ăn đặc sản tiếp theo của vùng Kiếp Bạc chính là nem hến, với nguyên liệu chính là hến được đánh bắt ở sông Lục Đầu.

Hến ở sông Lục Đầu có kích thước nhỏ nhưng ngược lại rất ngọt và mang đậm vị sông nước. Nem hến được chế biến kết hợp các nguyên liệu thịt lợn xay, trứng gà, mộc nhĩ, các loại rau củ, sau đó đem đi chiên giòn. Nem hến được ăn kèm với bún tươi hoặc cơm nóng, thêm các loại rau thơm và một chén nước mắm chua ngọt đưa vị.

7.4. Bánh đậu xanh

Nói đến Hải Dương, không thể không nhắc tới bánh đậu xanh, loại đặc sản gắn liền với tên tuổi của mảnh đất này. Bánh đậu xanh được chế biến từ bột đậu xanh, đường và dầu thực vật, tạo khối vuông vắn, gói trong giấy bạc.

Thứ quà này được kết hợp cùng trà xanh để đem lại hương vị trọn vẹn nhất. Du khách đến Côn Sơn Kiếp Bạc du lịch vừa thưởng thức bánh, vừa có thể mua về làm quà cho bạn bè, người thân cũng rất ý nghĩa.

7.5. Gà đồi Chí Linh

Chí Linh là vùng đất từ lâu đã rất nổi tiếng với đặc sản gà đồi, được nuôi thả trong các trang trại lớn trên các khu đồi, rừng. Do đó, chất lượng thịt gà rất chắc, ngọt và dai tự nhiên.

Gà đồi được chế biến thành nhiều món ăn khác nhau như gà luộc, gà rang muối, gà hầm, gà nướng mắc khén…Món ăn đồng quê này là một trong những đặc sản được yêu thích nhất của du khách tới du lịch Côn Sơn Kiếp Bạc.

8. Gợi ý các địa điểm du lịch gần Côn Sơn Kiếp Bạc

Ngoài việc tham quan, du lịch bên trong khu di tích Côn Sơn Kiếp Bạc, du khách có thể ghé thăm những địa điểm du lịch hấp dẫn khác trong khu vực như: Đảo cò Chi Lăng, hồ Bạch Đằng, làng rối nước( Thanh Hà-Hải Dương)…

Những địa điểm du lịch thú vị khác ở khu vực lân cận như: Biển Đồ Sơn (Hải Phòng), Hạ Long (Quảng Ninh), Yên Tử (Quảng Ninh)…

Theo Ticotravel.com.vn

LIKE PAGE XEM TIN MỚI MỖI NGÀY
Scroll