Ải Chi Lăng - Chốn Quy Tụ Hào Khí Đông A Lẫy Lừng Năm Xưa
admin | Đăng lúc 15:12 - 06/09/2021

Trải dài trên mảnh đất hình chữ S này, dường như từng dòng sông, ngọn núi, từng nhành cây ngọn cỏ đều ghi lại dấu ấn vang dội của những đội quân hùng dũng mang dòng máu Rồng Tiên. Tít trên mạn Bắc xa xôi, cũng có một địa danh như thế, Ải Chi Lăng hiện lên không chỉ mang cái hùng vĩ của đất trời mà ẩn sâu trong đó là sức sống mãnh liệt một thời của hào khí Đông A.

 

Di tích lịch sử Ải Chi Lăng

Di tích lịch sử Ải Chi Lăng - Ảnh: Vns360

 

Ải Chi Lăng! Ải Chi Lăng!

Lưỡi gươm đẫm máu Liễu Thăng thuở nào

Gập ghềnh lũng thấp đồi cao

Vũng lầy thành ruộng đã bao nhiêu mùa

 

Ải Chi Lăng nằm cách Hà Nội khoảng 150km, là một trong những ải có quy mô hoành tráng và đồ sộ chạy dài gần 20km, rộng 3km nối liền hai huyện Chi Lăng và Hữu Lũng, tỉnh Lạng Sơn. Ải mang hình bầu dục được bao bọc bởi dãy núi đá Kai Kinh (Cai Kinh) ở phía Tây và dãy núi Bảo Đài ở phía Đông.

 

Con đường lên Ải Chi Lăng

Con đường lên Ải Chi Lăng - Ảnh: Trần Đức Khôi

  

Giữa một khung cảnh hoang sơ, hùng vỹ như vậy, dòng sông Thương lững thững chạy qua với cái tên thơ mộng Suối Đào Hoa. Một bức tranh sơn thủy hùng vỹ chẳng kém phần trữ tình cuốn hút bất kỳ ánh mắt nào trong hành trình du lịch Lạng Sơn.

 

Dòng sông Thương trữ tình hút hồn du khách du lịch Lạng Sơn

Dòng sông Thương trữ tình hút hồn du khách du lịch Lạng Sơn - Ảnh: MeoluoiBienhoa

 

Bức tranh sơn thủy hữu tình ở Ải Chi Lăng

Bức tranh sơn thủy hữu tình ở Ải Chi Lăng - Ảnh: Dong Hoang

 

Trong khung cảnh thiên nhiên ngút ngàn ấy, người ta còn tìm thấy những vết tích từ thời xa xưa của nền văn hóa Bắc Sơn – Mai Pha nổi tiếng. Càng đi vào sâu, du khách sẽ có cơ hội chiêm ngưỡng những hang động đẹp như bước ra từ một câu chuyện cổ tích nào đó, lẩn khuất đâu đó là những rìu đá, mảnh gốm còn sót lại từ cuộc sống của những người tiền sử.

 

Con đường độc đạo đi qua Ải Chi Lăng

Con đường độc đạo đi qua Ải Chi Lăng - Ảnh: Tin nhiem

 

Nhìn từ trên cao, Ải Chi Lăng hiện lên với một thung lũng xanh rờn, xung quanh là những ngọn núi đá cao chót vót tạo nên một địa thế vô cùng hiểm trở. Ở phía xa xa là những quả núi nhỏ nương tựa vào nhau tạo nên tầng tầng lớp lớp thành cao hào sâu. Và nổi bật ở phần giữa thung lũng, Chi Lăng hiện lên như một cửa ải hiểm yếu bậc nhất trên con đường độc đạo ở biên giới phía Bắc.

 

Quỷ Môn Quan  Một trong hai cửa ngõ chính của Ải Chi Lăng

Quỷ Môn Quan – Một trong hai cửa ngõ chính của Ải Chi Lăng - Ảnh: Smile of stone

  

Nhờ vào địa thế hiểm trở của mình, Ải Chi Lăng được coi như một bức tường thành vững chắc của kinh thành Thăng Long giúp chặn đứng những cuộc viễn chinh khét tiếng từ phương Bắc tràn sang. Có lẽ vì vậy mà trải qua bao nhiêu triều đại, bao nhiêu thăng trầm của lịch sử, cửa ải này đã gắn liền với hoạt động của những nhà quân sự thiên tài như: Lý Thường Kiệt, Trần Quốc Tuấn hay những thủ lĩnh tài năng của xứ Lạng: Phò mã Thân Cảnh Phúc, Thế Lộc, Hoàng Ðại Huề…

 

Tượng đài các anh hùng tại Ải Chi Lăng

Tượng đài các anh hùng tại Ải Chi Lăng - Ảnh: Vu Sơn

 

 

“Chi Lăng ải hiểm tựa trên trời”, tể tướng nhà Trần Trần Sư Mạnh đã từng hạ bút như vậy khi cưỡi ngựa qua miền biên ải. Bao nhiêu chiến tích anh hùng được ghi lại trên từng tấc đất của địa danh này. Sử sách còn ghi lại chiến công của Lê Hoàn trong trận đánh thần kỳ phá tan quân Tống năm 981, hay hình ảnh Nguyễn Địa Lê đã giết chết tên Việt gian Trần Kiệm trong cuộc kháng chiến chống Nguyên - Mông lần thứ hai năm 1285. Rồi tới năm 1427, nghĩa quân Lam Sơn chém Liễu Thăng, tóm cổ Hoàng Phúc, giết 10 vạn quân Minh, đập tan ý đồ xâm l­ược của chúng.

 

Một trong những cửa ải hiểm trở bậc nhất

Một trong những cửa ải hiểm trở bậc nhất - Ảnh: Sưu tầm

 

Chiến công tạc bia đá

Chiến công tạc bia đá - Ảnh: luyenaminh

 

Từng trang sử hào hùng cứ như những thước phim quay chậm lần lượt hiện lên trong tâm trí của những du khách. Dường như người ta tìm về nơi ấy trong những tour du lịch Lạng Sơn để chiêm ngưỡng một di tích lịch sử mà từ xa xưa đã trở thành một nỗi ám ảnh của quân thù. Một cửa ải đã chặn đứng bao bước chân xâm lăng của đế quốc phương Bắc, một cửa ải tôn vinh thêm cho tài năng quân sự lỗi lạc của cha ông. Để đến hôm nay, đứng trong gió ngàn vẫy gọi, người ta như nghe thấy tiếng hò reo mừng chiến thắng của những binh đoàn áo vải.

 

Ải Chi Lăng sừng sững giữa đất trời

Ải Chi Lăng sừng sững giữa đất trời - Ảnh: Dao Nguyen Bui Thi

 

 

Chinh phục cửa ải năm xưa

Chinh phục cửa ải năm xưa… - Ảnh: Lamchieudong

 

Ải Chi Lăng hiện lên như một bức tranh phong cảnh vừa uy nguy hùng vỹ vừa thơ mộng thân thương. Ai tìm về đó trong những chuyến du lịch mùa hè mới tận mắt chứng kiến được non cao sông rộng và một địa thế hiểm trở với những chiến lũy hình thang độc nhất trên thế giới, mới cảm nhận cái chất tình, cái khí thế hào hùng ẩn hiện trong tiềm thức.

 

Ải Chi Lăng nhìn từ xa xa

Ải Chi Lăng nhìn từ xa xa - Ảnh: Sưu tầm

 

Ải Chi Lăng đã gắn liền với quá trình dựng nước và giữ nước của dân tộc Việt. Chắc hẳn rằng mỗi khi nhắc về địa danh này, trong lòng mỗi người lại dấy một niềm tự hào mãnh liệt về trí tuệ hơn người và tinh thần yêu nước của bao thế hệ người Việt Nam.

 

Cầu Chi Lăng cổ kính, oai nghiêm

Cầu Chi Lăng cổ kính, oai nghiêm - Ảnh: Sưu tầm

 

Những đồng lúa xanh mướt nơi Ải Chi Lăng ngày nay

Những đồng lúa xanh mướt nơi Ải Chi Lăng ngày nay - Ảnh: Dao Nguyen Bui Thi

 

Quả không ngoa khi người ta nhắc tới cửa ải này với danh xưng “Bảo tàng lịch sử ngoài trời lớn nhất”. Mới chỉ nghe tên thôi, ai ai cũng háo hức được đặt chân lên địa danh huyền thoại này để được chiêm ngưỡng một cảnh quan hoành tráng, một di tích lịch sử đầy tiếng vang và để nghe kể về những chiến công lẫy lừng trong quá khứ.

Nguồn: My tour

LIKE PAGE XEM TIN MỚI MỖI NGÀY
Scroll